October 08, 2024 | 15:14 GMT+7

Formosa gặp khó, Hà Tĩnh hụt thu

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm dẫn đến nguồn thu ngân sách của tỉnh này bị ảnh hưởng...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo kinh tế xã hội của tỉnh Hà Tĩnh, trong 9 tháng năm 2024 ngành công nghiệp của tỉnh này có nhiều điểm thuận lợi như: Bia đóng lon mở rộng thị trường tăng sản lượng sản xuất; vỏ bào, dăm gỗ cũng đang được đẩy mạnh xuất khẩu; ngành may mặc có nhiều tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp của Hà Tĩnh vẫn còn những khó khăn, thách thức như: Sản phẩm mới pack pin còn phụ thuộc vào thị trường; nhà máy thép Formosa đại tu sửa trong 15 ngày trong tháng 4, sản lượng thép ảnh hưởng bởi thép nhập khẩu.

Đặc biệt Tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 bảo dưỡng 65 ngày từ 15/8/2024. Do đó, thách thức, áp lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là rất nặng nề.

Ước tính tháng 9/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành của tỉnh này tăng 1,73% so với tháng trước và giảm 0,62% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước giảm 0,56% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 31,75% đóng góp 0,39 điểm vào mức tăng chung toàn ngành; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,91% làm giảm 3,27 điểm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 20,60% đóng góp 2,71 điểm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,94% đóng góp 0,32 điểm vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp Hà Tĩnh.

Formosa gặp khó, Hà Tĩnh hụt thu - Ảnh 1

Nguyên nhân dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp chung trong 9 tháng năm 2024 của Hà Tĩnh giảm là do: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng lớn nhất từ ngành sản xuất kim loại, ngoài yếu tố thị trường bất lợi thì sản lượng thép giảm do tạm dừng bảo dưỡng dây chuyền cán nóng của Formosa từ ngày 1/4 - 14/4 dẫn đến tăng trưởng ngành chế biến chế tạo cũng như toàn ngành công nghiệp chưa đạt như kỳ vọng.

Cùng với đó là ngành sản xuất và phân phối điện cũng giảm mạnh khi mà tổ máy số 2 của nhà máy nhiệt nhiệt điện 1 trong tháng 8 và tháng 9 đang tạm ngừng để bảo dưỡng.

Về hoạt động thương mại và dịch vụ 9 tháng năm 2024 của tỉnh này nhìn chung phát triển khá với gam màu sáng, tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 61.000 tỷ đồng tăng 17,56% so với cùng kỳ năm trước. 

Cụ thể, tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa của Hà Tĩnh ước đạt hơn 51.565 tỷ đồng, tăng 18,95% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt hơn 6.335 tỷ đồng, tăng 12,33% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ khác ước đạt hơn3.418 tỷ đồng, tăng 7,82% so với cùng kỳ năm trước, trong 6 nhóm hàng dịch vụ khác chỉ có nhóm hàng bất động sản là tăng trưởng âm, còn lại 5 nhóm hàng đều có tăng trưởng dương. Doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt hơn 6.435 tỷ đồng, tăng 21,45% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 9 Hà Tĩnh tháng năm 2024 đạt cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước của Hà Tĩnh tính đến ngày 20/9/2024 của tỉnh này đạt hơn 13.656 tỷ đồng, tăng 4,89% so cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa đạt hơn 6.920 tỷ đồng (chiếm 50,68 % trong tổng thu) tăng 6,08% so với cùng kỳ. Cụ thể một số sắc thuế tăng mạnh so cùng kỳ như: Các khoản thu về nhà đất đạt 2.186,64 tỷ đồng, tăng 50,38%; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 1.128,28 tỷ đồng, tăng 34,25%; ...

Tuy nhiên, 9 tháng năm 2024 thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ đạt gần 760 tỷ đồng, giảm 63,02% so với cùng kỳ. Bên cạnh thu nội địa, tổng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 6.262 tỷ đồng, giảm 1,87% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm dẫn đến nguồn thu ngân sách của Hà Tĩnh bị ảnh hưởng. Tổng chi ngân sách nhà nước tính đến ngày 20/9/2024 đạt hơn 17.634 tỷ đồng tăng 4,49% so với cùng kỳ.

Formosa gặp khó, Hà Tĩnh hụt thu - Ảnh 2

Trong 9 tháng năm 2024, trị giá xuất khẩu của tỉnh này ước đạt 1.714,45 triệu USD, giảm 18,38% so với cùng kỳ năm trước (giảm 385,93 triệu USD).

Nguyên nhân chủ yếu do từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực từ lạm phát và tăng lãi suất, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép trên thế giới giảm sút, nên mặt hàng thép và phôi thép của Formosa Hà Tĩnh gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu; ngoài ra, trị giá xuất khẩu mặt hàng xơ, sợi dệt các cũng giảm đến 34,87% so với cùng kỳ.

Mặc dù trị giá xuất khẩu của mặt hàng chè, dệt và may mặc tăng, tuy nhiên do tỷ trọng của những mặt hàng này chỉ chiếm 1,53% trong tổng trị giá xuất khẩu của hàng hóa trong tỉnh nên không tác động nhiều đến kết quả xuất khẩu của 9 tháng đầu năm 2024.

Formosa gặp khó, Hà Tĩnh hụt thu - Ảnh 3

Trong 9 tháng năm 2024, trị giá nhập khẩu của tỉnh Hà Tĩnh ước đạt 2.879,37 triệu USD triệu USD đạt 77,82% so với kế hoạch cả năm, tăng 4,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: trị giá nhập khẩu của Formosa Hà Tĩnh ước đạt 2.123,09 triệu USD (chiếm 73,73% tổng trị giá nhập khẩu toàn tỉnh) tăng 4,97%.

Dự ước trong quý IV tới những tháng cuối năm việc sản xuất phục vụ những đơn hàng cuối năm tăng khiến nhu cầu nguyên liệu đầu vào tăng theo, nhu cầu tiêu dùng hàng ngoại ngày càng cao khiến trị giá nhập khẩu sẽ tăng mạnh.

Về tình hình phát triển doanh nghiệp, tính từ đầu năm đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh Hà Tĩnh thành lập mới 1.038 doanh nghiệp, tăng 11,25% với số vốn đăng ký hơn 5.341,2 tỷ đồng, tăng 41,18% so cùng kỳ năm trước.

Song song với việc các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động 538 doanh nghiệp, tăng 11,85% so cùng kỳ; doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể 173 doanh nghiệp, tăng 613% so cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, từ kết quả đăng ký thành lập mới, tự giải thể, tạm ngừng hoạt động của các doanh nghiệp cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua vẫn đang còn gặp khó khăn nhất là thiếu nguồn vốn đã ảnh hưởng đến phát triển của doanh nghiệp nói riêng và tình hình phát triển chung của toàn nền kinh tế tỉnh nhà.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate