Hãng công nghệ khổng lồ Đài Loan ngày 1/10 thông báo sẽ thâu tóm gần 4% cổ phần của Lordstown, trị giá khoảng 50 triệu USD và mua lại khu tổ hợp sản xuất của startup này tại bang Ohio, Mỹ với giá 230 triệu USD. Cũng nằm trong thỏa thuận này, Foxconn sẽ sản xuất xe bán tải điện Endurance của Lordtown.
Khu tổ hợp tại Ohio - rộng 575.000 m2 và được Lordstown mua lại từ General Motors trước đó, sẽ là nơi sản xuất ô tô đầu tiên của Foxconn tại Bắc Mỹ. Thương vụ mua lại trên bao gồm cả đất, thiết bị sản xuất, bao gồm cả đất, thiết bị, nhân viên của Lordstown, nhưng không bao gồm dây chuyền lắp ráp ô tô trung tâm, mô-đun pin, quyền sở hữu trí tuệ và một số tài sản khác. Với thương vụ này, Foxconn sẽ đẩy nhanh kế hoạch sản xuất ô tô của mình.
Nguồn tin của Nikkei Asia cho biết tập đoàn Đài Loan dự kiến bắt đầu sản xuất xe Endurance sớm nhất vào tháng 4/2022 và sản xuất mẫu xe điện thứ 2 cho khách hàng hiện tại - startup Mỹ Fisker vào quý 4/2023. Nếu dự án với Lordstown thành công, việc này cũng sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất ô tô của Foxconn và gia tăng uy tín của công ty này trong ngành công nghiệp xe điện.
“Ngoài việc đạt được mục tiêu thiết lập cơ sở sản xuất xe điện tại Bắc Mỹ trước thời hạn, thương vụ này cũng phản ánh sự linh hoạt của Foxconn trong cung cấp dịch vụ thiết kế và sản xuất cho khách hàng là các hãng xe điện khác nhau”, Chủ tịch Foxconn Young Liu cho biết trong thông cáo báo chí. “Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này là cột mốc quan trọng đối với hoạt động kinh doanh xe điện và chiến lược chuyển đổi của chúng tôi”.
Ngoài kế hoạch ở Bắc Mỹ, Foxconn cũng có kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất xe điện ở Thái Lan vào năm 2023, hợp tác với công ty dầu khí PTT tại thị trường Đông Nam Á và xây dựng một nhà máy nữa ở châu Âu.
Đầu năm nay, ông Liu cho biết Foxconn cân nhắc xây nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên ở Bắc Mỹ tại Mexico hoặc bang Wisconsin (Mỹ) - nơi công ty đều đang có nhà máy - chủ yếu để sản xuất xe cho Fisker cũng như các khách hàng khác trong tương lai. Tuy nhiên, việc đàm phán với chính quyền bang Wisconsin không có kết quả do quy định cấm nhà sản xuất ôtô bán hàng trực tiếp cho khách hàng tại bang này.
Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD của Foxconn tại Winconsin sẽ là “kỳ quan thứ tám của thế giới”. Tuy nhiên, Foxconn đã giảm kế hoạch đầu tư tại bang này từ 10 tỷ USD xuống còn 672 triệu USD và giảm số lượng việc làm mới dự kiến tạo ra từ 13.000 xuống còn 1.454.
Foxconn là nhà lắp ráp iPhone theo hợp đồng lớn nhất của Apple. Trong 2 năm qua, công ty này đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xe điện, nằm trong chiến lược tìm kiếm động lực tăng trưởng mới để bù đắp cho tăng trưởng đang chững lại trong mảng sản xuất điện thoại thông minh. Foxconn đã lập liên doanh với Stellantis, chủ sở hữu của Fiat và Chrysler, cũng như liên doanh với công ty Geely của Trung Quốc.
Công ty này dự báo doanh thu từ mảng sản xuất hàng điện tử tiêu dùng sẽ giảm nhẹ trong quý 3 so với quý 2, nhưng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho biết nhu cầu đối với các sản phẩm đám mây và kết nối mạng vẫn mạnh, nhưng doanh thu từ mảng này có khả năng giảm nhẹ do cơ sở so sánh cao của năm ngoái và tình trạng khan hiếm linh kiện.
Foxconn dự báo doanh thu từ bán linh kiện ô tô điện - hiện chủ yếu là linh kiện cơ khí và nhựa - sẽ đạt 10 tỷ Đài tệ trong năm nay, tăng 40% so với năm ngoái, và sẽ tăng tốc mạnh hơn nữa trong năm 2022.