FTSE Russell vừa thông báo về kết quả xếp hạng thị trường chứng khoán thường niên 2024 sẽ được công bố sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 8/10.
Theo FTSE Russell, việc phân loại thị trường trong các chỉ số cổ phiếu toàn cầu FTSE được đánh giá liên tục. Để đảm bảo tính minh bạch, các thị trường đang được xem xét để phân loại lại/chuyển sang trạng thái thị trường phát triển, thị trường mới nổi tiên tiến, thị trường mới nổi thứ cấp, hoặc thị trường cận biên sẽ được đưa vào danh sách theo dõi của tổ chức này.
Sẽ có 3 thị trường được đưa vào danh sách theo dõi kể từ tháng 3/2024. Trong đó, thị trường Ai Cập có thể phân loại lại từ trạng thái thị trường mới nổi thứ cấp thành không phân loại. Thị trường Pakistan có thể chuyển từ thị trường mới nổi thứ cấp thành thị trường cận biên. Việc được phân loại lại từ thị trường mới nổi thứ cấp thành thị trường cận biên có hiệu lực từ phiên mở cửa 23/9.
Riêng thị trường Việt Nam có thể phân loại lại từ trạng thái thị trường cận biên thành thị trường mới nổi thứ cấp.
Trước đó, Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) đã công bố Dự thảo thông tư sửa đổi 4 thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền (Non Pre-funding solution – NPS) và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Việc xử lý vấn đề prefunding (ký quỹ trước giao dịch) được đưa ra thông qua giải pháp cho phép các công ty chứng khoán thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Trong đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu vào thời điểm T+0 và được cấp vốn vào thời điểm T+1 đến T+2. Điều này sẽ giải quyết yêu cầu nâng hạng từ FTSE Russell, bao gồm việc chuyển giao đối ứng thanh toán (chuyển giao cổ phiếu tại thời điểm thanh toán tiền) và việc xử lý khi gặp các giao dịch thất bại.
Đối với quy định lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, mục tiêu từ ngày 1/1/2028, tất cả các công ty đại chúng và niêm yết sẽ công bố thông tin định kỳ và bất thường bằng tiếng Anh. Điều này sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư nước ngoài, tăng tính minh bạch của thị trường cũng như sẽ giải quyết vướng mắc từ phía MSCI trong tiêu chí về quy định thị trường và luồng thông tin.
SSI Research kỳ vọng Thông tư sẽ sớm được triển khai trong Quý 4 năm nay và là cơ sở để FTSE Russell đánh giá tích cực trong kỳ xếp hạng tháng 9 năm nay và quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9 năm 2025.
Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ từ SSI Research dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,6 tỷ USD, chưa tính đến
dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russel ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).
Trong khi đó, BSC Research dự kiến trong kỳ đánh giá sắp tới nhiều khả năng FTSE Russell sẽ có những nhận xét tích cực đối với các nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ những “nút thắt” đối với mục tiêu nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Điều kiện cần có thể là khi ban hành Thông tư sửa đổi 04 Thông tư đã lấy ý kiến kể từ Tháng 3/2024 và Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có những nhận xét tích cực trong quá trình sử dụng các giải pháp Prefunding – sẽ là điều kiện thuận lợi để thị trường chứng khoán Việt Nam gia tăng cơ hội được FTSE Russell chấp thuận nâng hạng trong năm 2025 (các lần đánh giá định kỳ lần lượt vào tháng 3 và tháng 9 hàng năm).
Theo BSC, đến tháng 9/2025, FTSE sẽ chính thức nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi. Trong khi đó, khả năng đến tháng 6/2025 sẽ được đưa vào danh sách theo dõi của MSCI. Sau khi được FTSE Russell nâng hạng chứng khoán sẽ hút 1,5 tỷ USD, và nếu MSCI nâng hạng sẽ hút thêm khoảng 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, triển vọng nâng hạng còn phụ thuộc vào tiến độ thực tế triển khai hệ thống KRX; Hành động của cơ quan quản lý trong việc giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trước tiên là tiêu chí “pre-funding”. Diễn biến của khối ngoại, ETF trên thị trường – trong đó động thái mua ròng mạnh mẽ các cổ phiếu đáp ứng các tiêu chí của nhà đầu tư nước ngoài là một yếu tố cần quan
sát kỹ lưỡng.