June 11, 2021 | 09:42 GMT+7

G7 tính tài trợ 1 tỷ liều vaccine Covid cho các nước nghèo hơn

An Huy -

Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) sẽ đạt nhất trí tài trợ 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước nghèo hơn...

Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7, tại Carbis Bay, ngày 10/6 - Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7, tại Carbis Bay, ngày 10/6 - Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) sẽ đạt nhất trí tài trợ 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước nghèo hơn. Một quyết định như vậy có thể được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 bắt đầu vào ngày thứ Sáu (11/6), nhằm đạt tới mục tiêu đến cuối năm 2022 toàn thế giới được tiêm chủng.

Theo tin từ Reuters, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đẩy mạnh cuộc chiến chống Covid-19 bằng cách tài trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer cho 100 quốc gia thu nhập thấp nhất thế giới, ông Johnson tuyên bố Anh sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine mà nước này không dùng đến cho các nước nghèo.

 

“1 tỷ liều vaccine mà G7 định tài trợ nên được nhìn nhận là một con số tối thiểu. Và tiến độ của việc tài trợ này phải được đẩy mạnh” - chuyên gia Lis Wallace thuộc tổ chức vận động chống đói nghèo ONE.

Trước đó, nhà lãnh đạo Anh đã kêu gọi G7 cam kết giúp thế giới tiêm phòng Covid-19 xong vào cuối năm sau, và G7 được kỳ vọng sẽ tài trợ 1 tỷ liều vaccine.

Tuy nhiên, một số nhóm vận động chỉ trích rằng kế hoạch này chỉ như “muối bỏ bể”. Tổ chức Oxfam ước tính gần 4 tỷ người trên thế giới sẽ phải phụ thuộc vào vaccine từ COVAX – sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm phân phối vaccine đến các nước thu nhập thấp và trung bình.

“Do chương trình tiêm chủng của Anh đã thành công, chúng tôi đang ở vị thế có thể chia sẻ một phần vaccine còn dư của chúng tôi cho những nước cần”, ông Johnson nói. “Bằng cách này, chúng ta sẽ đạt những bước tiến lớn để đánh bại đại dịch”.

Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra trong 3 ngày tại khu nghỉ dưỡng ven biển Carbis Bay của Anh.

Đến nay, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3,9 triệu người trên thế giới và gây đảo lộn kinh tế toàn cầu. Kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, Covid đã tấn công hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các hãng dược đã thể hiện sự “thần tốc” trong bào chế và sản xuất vaccine. Nhiều quốc gia cũng tiến hành tiêm chủng với tốc độ cực nhanh: Anh đến nay đã tiêm ít nhất 1 mũi cho 77% dân số trưởng thành; ở Mỹ, tỷ lệ này là 64%. Tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng đại dịch chỉ có thể chấm dứt một khi tất cả các quốc gia trên thế giới được tiêm chủng.

Với dân số toàn cầu gần 8 tỷ người và phần lớn cần 2 mũi tiêm, chưa kể tiêm nhắc lại để chống những biến chủng mới, các nhà vận động nói rằng việc G7 tài trợ 1 tỷ liều vaccine là một sự khởi đầu tốt, nhưng các nhà lãnh đạo thế giới cần tiến nhanh hơn và xa hơn nhiều.

“1 tỷ liều vaccine mà G7 định tài trợ nên được nhìn nhận là một con số tối thiểu. Và tiến độ của việc tài trợ này phải được đẩy mạnh”, chuyên gia Lis Wallace thuộc tổ chức vận động chống đói nghèo ONE nhận xét.

“Chúng ta đang chạy đua với virus, và virus dẫn trước chúng ta càng lâu, thì càng có nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới, nguy hiểm hơn, đe doạ xói mòn nỗ lực chống dịch của toàn cầu”, bà Wallace phát biểu.

Trong số 100 triệu liều vaccine mà Anh tài trợ, 80 triệu liều sẽ được đưa vào chương trình COVAX, số còn lại sẽ được chia sẻ song phương với những nước cần. Vaccine tài trợ là những loại mà Anh đã có trong kho, bao gồm vaccine của Oxford-AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Janssen, Moderna và một số loại khác.

Việc Anh tài trợ vacine là một sự hưởng ứng lời kêu gọi của ông Biden. Người đứng đầu Nhà Trắng đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 đưa ra cam kết tài trợ vaccine cho các nước nghèo hơn, đồng thời kêu gọi các hãng dược áp dụng mô hình của Oxford-AstraZeneca về cung cấp vaccine ở giá vốn trong suốt thời gian đại dịch.

Các nhà khoa học nói rằng việc để mặc các nước nghèo xoay sở với đại dịch có thể cho phép virus đột biến nhanh hơn và kháng lại vaccine. Các tổ chức từ thiện cũng kêu gọi hỗ trợ hầu cần để giúp tiến hành tiêm vaccine trên quy mô lớn tại các nước nghèo hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate