Theo CNN, những sản phẩm này có nhiều rủi ro đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em và chúng không được khuyến khích về mặt y tế để duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nhiều nghiên cứu trước đây đã cảnh báo việc sử dụng các sản phẩm giảm cân không kê đơn với chứng rối loạn ăn uống, trầm cảm và lạm dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên. Chúng cũng có liên quan đến việc hấp thụ dinh dưỡng kém và tăng cân không lành mạnh ở tuổi trưởng thành.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết, tình trạng béo phì đang gia tăng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các nước đã có chương trình giảm cân xây dựng trọng hệ thống chăm sóc sức khỏe chính thức, nhằm bảo vệ các em trước một số rủi ro. Chương trình không thể hoàn thành nếu thanh thiếu niên tự ý chuyển sang dùng thuốc giảm cân hoặc các sản phẩm giảm cân không kê đơn khác.
"Khi bệnh nhân hành động xuất phát từ tuyệt vọng, không được hướng dẫn và định hướng, họ dễ đưa ra các lựa chọn kém lành mạnh, chắc chắn sẽ dẫn đến những vấn đề sức khỏe tâm thần", tiến sĩ Sarah Raatz, bác sĩ nhi khoa thuộc Trung tâm Y học Béo phì Nhi khoa, Đại học Minnesota cho biết. Hiện thuốc giảm cân là sản phẩm phổ biến nhất, được khoảng 6% thanh thiếu niên sử dụng. Tiếp theo là khoảng 4% sử dụng thuốc nhuận tràng và 2% sử dụng thuốc lợi tiểu.
Giới chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng các loại thuốc tổng hợp có thể gây rủi ro cao hơn đối với bệnh nhân so với các loại thuốc vốn đã được Cơ quan dược phẩm liên bang Mỹ (FDA) phê duyệt vì những loại thuốc này chưa trải qua quá trình đánh giá về chất lượng, hiệu quả và an toàn trước khi có mặt trên thị trường.
FDA không nêu rõ chi tiết, song cho biết đã nhận được thông tin về tác dụng phụ của thuốc semaglutide tổng hợp sau khi nhiều bệnh nhân sử dụng thuốc này. Thuốc tổng hợp là phiên bản thứ hai của thuốc gốc và thường được sử dụng khi bệnh nhân dị ứng với một thành phần của thuốc gốc. Một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí American Medical Association ngày 11/12 vừa qua đã cảnh báo nguy cơ phụ thuộc lâu dài vào loại thuốc này khi việc giảm cân không hiệu quả.
Nghiên cứu do Nhà khoa học Louis Aronne thuộc Đại học Y Weill Cornell ở New York thực hiện đối với 670 tình nguyện viên với độ tuổi trung bình là 48 tuổi. Đa phần trong số này là nữ giới. Cân năng trung bình ban đầu của nhóm này là 107,3kg. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng thuốc giảm cân chứa hoạt chất tirzepatide và đây cũng là thành phần trong thuốc giảm cân Zepbound của Hãng Dược phẩm Eli Lilly vốn được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt hồi tháng trước. Thuốc giảm cân tirzepatide là loại thuốc tiêm hằng tuần.
Theo nghiên cứu này, sau 36 tuần, cân nặng của nhóm 670 người trên đã giảm trung bình 20,9%. Sau đó, nhóm này được chia thành hai nhóm nhỏ với nhóm đầu tiên tiếp tục sử dụng thuốc Zepbound trong khi nhóm còn lại sử dụng giả dược. Đến tuần thứ 88, những người dùng giả dược đã tăng cân trở lại với mức tăng bằng 50% số cân đã giảm trước đó và trọng lượng cơ thể vào thời điểm đó thấp hơn 9,9% so với mức ban đầu. Trong khi đó, cân nặng sau 88 tuần của nhóm còn lại thấp hơn 25,3% so với mức ban đầu.
Tất cả những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu được khuyến khích tiêu thụ ít hơn 500 calo/ngày và tập thể dục trong ít nhất 150 phút/tuần. Theo nghiên cứu này, các tác dụng phụ mà nhóm gặp phải bao gồm các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón và nôn mửa. Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Louis Aronne, kết quả đã cho thấy bệnh nhân cần duy trì điều trị bằng thuốc để ngăn ngừa cân nặng tăng trở lại và đảm bảo giảm cân hiệu quả.
Nghiên cứu này cùng với 4 cuộc thử nghiệm trước đó cho thấy các loại thuốc, bao gồm cả thuốc chống béo phì mạnh như semaglutide, đã chứng minh tình trạng tăng cân trở lại sau khi người bệnh dừng điều trị. Semaglutide là hoạt chất trong thành phần thuốc giảm cân Ozempic và Wegovy của Hãng Dược phẩm Novo Nordisk.
Tương tự như thuốc Zepbound, semaglutide là chất tương tự chất chủ vận thụ thể GLP-1, hoạt động bằng cách bắt chước chức năng của một loại hormone tiết ra insulin, làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, và ngăn chặn sự thèm ăn. Zepbound còn chứa một phân tử khác hoạt động giống như hormone đường ruột GIP.
Phản ứng mới nhất trước nghiên cứu trên, Hãng Dược phẩm Eli Lilly nhấn mạnh rằng bệnh béo phì là căn bệnh mãn tính, đòi hỏi việc điều trị liên tục và việc điều trị sẽ dừng lại cho đến khi người bệnh đạt được mục tiêu về cân nặng. Các nghiên cứu trước đó cho thấy chất chủ vận thụ thể GLP-1 có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch liên quan đến béo phì, song chúng cũng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về đường tiêu hóa.
Tại Việt Nam, ghi nhận trên thị trường có rất nhiều loại thuốc giảm cân đáp ứng nhu cầu gầy nhanh, mà không cần tốn nhiều công sức để tập luyện. Một số cơ chế thuốc giảm cân hay dùng như: Thuốc làm chuyển hóa chất béo trong cơ thể; thuốc tạo cảm giác no, gây chán ăn; thuốc gây mất nước... Một số loại thuốc giảm cân khiến cho người dùng có cảm giác đầy bụng, không muốn ăn uống, giảm hấp thụ chất béo để nhanh sụt cân.
Gần đây nhất là trường hợp bé 13 tuổi phải nhập viện vì gia đình đã cho bé uống thuốc giảm cân. Bệnh nhi vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn trong tình trạng tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, chỉ số xét nghiệm men gan cao gấp 10 lần chỉ số bình thường. Trước đó không lâu, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân ở Quảng Ninh phải cắt toàn bộ thực quản dạ dày do uống thuốc giảm cân.
Bệnh nhân này được một người bạn giới thiệu cho loại thuốc giảm cân rất hiệu quả. Tuy nhiên, khi dùng đến gói thứ 4, bệnh nhân có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước; thân nhiệt hạ thấp đột ngột, bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, kết quả chụp cắt lớp cho thấy não bị tổn thương.
Các chuyên gia y tế cho biết, việc tự ý sử dụng thuốc giảm cân không theo hướng dẫn của bác sĩ có thể dẫn đến bị tiêu chảy kéo dài, suy nhược cơ thể, nếu dùng lâu dài có thể ảnh hưởng đến thần kinh, huyết áp, gây trầm cảm và sẽ bị lệ thuộc vào thuốc... Điều này làm giảm chất lượng cuộc sống của người uống. Thậm chí nếu dùng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc có chứa chất cấm thì sẽ nguy hại đến tính mạng.