April 30, 2008 | 02:01 GMT+7

Gần 100% ngân hàng tăng lãi suất!

Minh Đức

Hiện đã có gần 100% thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tăng lãi suất huy động VND

Phía sau sự nhập cuộc nhanh chóng và đồng loạt của các ngân hàng là áp lực cầu vốn và giữ chân người gửi tiền. (Trong ảnh: Gao dịch tại Sacombank)
Phía sau sự nhập cuộc nhanh chóng và đồng loạt của các ngân hàng là áp lực cầu vốn và giữ chân người gửi tiền. (Trong ảnh: Gao dịch tại Sacombank)
Hiện đã có gần 100% thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tăng lãi suất huy động VND.

Ngày 29/4, cùng lúc với thông báo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) về việc điều chỉnh trần lãi suất thỏa thuận giữa các hội viên phổ biến trên thị trường, nhiều nhà băng đồng loạt áp biểu lãi suất mới.

Tính đến cuối ngày, hầu hết các ngân hàng trong số 38 thành viên biểu quyết thông qua trần lãi suất thỏa thuận mới đều đã có thông báo liên quan. Tất cả những thông báo này đều có cùng một điều chỉnh, đưa lãi suất huy động VND kịch trần thỏa thuận với 11,5%/năm đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng và 12%/năm đối với các kỳ hạn trên 6 tháng.

Mốc 12%/năm cũng là trần “pháp lý” được đặt ra tại Công điện số 02 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tháng 2/2008.

Các ngân hàng Phương Đông (OCB), Việt Á (VAB), Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Đông Nam Á (SeABank), Kỹ thương (Techcombank), Ngoài quốc doanh (VPBank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)… đều đồng nhất lãi suất theo hai bước chính, theo đúng trần và phân định các kỳ hạn có trong thỏa thuận.

Theo Sacombank, việc điều chỉnh lãi suất nói trên nhằm cùng tham gia cân đối mặt bằng chung trên thị trường, tránh biến động từ khả năng có những dòng tiền gửi dịch chuyển giữa các ngân hàng.

Trong những thành viên trên, VPBank khá nổi bật khi có quyết định áp dụng hình thức lãi suất bậc thang cho khoản tiền gửi không kỳ hạn bằng VND của khách hàng; số tiền gửi càng lớn lãi suất càng cao, “nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng, giúp khách hàng linh hoạt trong việc sử dụng vốn”.

Cụ thể, khách hàng gửi dưới 100 triệu đồng, lãi suất VPBank áp dụng là 3,6%/năm; gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng mức lãi suất là 3,72%năm và gửi từ 500 triệu đồng trở lên lãi suất sẽ là 3,84%/năm.

Điểm đáng chú ý là trong đợt điều chỉnh này, khối ngân hàng quốc doanh cũng đã nhanh chóng nhập cuộc. Ngân hàng Công thương (Vietinbank) tăng lãi suất phát hành kỳ phiếu dự thưởng kỳ hạn 7 tháng và 9 tháng lên 12%/năm, áp dụng từ ngày 1/5 tới.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo từ ngày 29/4 áp dụng đồng loạt trên toàn hệ thống mức lãi suất tối đa 12%/năm. Ngân hàng này giải thích rằng “đây là một hành động linh hoạt của BIDV trước diễn biến phức tạp của tình hình lãi suất, trong đó một số ngân hàng thương mại không tuân thủ thực hiện lãi suất cam kết với Hiệp hội Ngân hàng”.

Sự vào cuộc cùng lúc của khối ngân hàng quốc doanh cho thấy một khác biệt so với những đợt biến động lãi suất trước đó, thường có độ trễ nhất định. Tuy nhiên, phía sau độ trễ “bằng 0” lần này, cũng như với khối cổ phần, là áp lực của cung - cầu vốn và cả mục đích tránh xáo trộn của các dòng tiền gửi trên thị trường.

Theo VNBA, ngoài áp lực và mục tiêu trên, việc thực hiện trần lãi suất thỏa thuận mới còn hướng đến yêu cầu từng bước đảm bảo lãi suất thực dương theo chỉ đạo của Chính phủ.

Còn với thị trường, điều mà nhiều người quan tâm là phía sau sự nhập cuộc nhanh chóng và đồng loạt nói trên có phải là cầu vốn của các ngân hàng đang rất bức thiết, dù Ngân hàng Nhà nước vừa có thông điệp tăng cường hỗ trợ thông qua hình thức cho vay tái cấp vốn?

Câu trả lời chung bước đầu được đưa ra tại cuộc họp báo về kết quả phiên họp thường kỳ của Chính phủ chiều cùng ngày: “Khả năng thanh toán của các ngân hàng thương mại và an toàn hệ thống được đảm bảo”.

Với người tiêu dùng và doanh nghiệp, hy vọng về khả năng lãi suất cho vay tiếp tục hạ nhiệt có khả năng bị chặn đứng sau đợt điều chỉnh này. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất cho vay VND trung dài hạn của khối cổ phần hiện vẫn có mức lên đến 20%/năm; mặt bằng chung có từ 16 – 18%/năm.

Với nhà đầu tư chứng khoán, thông tin lãi suất đồng loạt tăng thực sự đang tạo một áp lực lớn đối với niềm tin thị trường phục hồi. Diễn biến phiên giao dịch cùng ngày, đặc biệt vào cuối phiên, đã mang dáng dấp tác động đó.

Trên thực tế, khi có biểu lãi suất mới, một số nhà đầu tư đã chọn giải pháp tách vốn từ chứng khoán, tìm đến ngân hàng “trú bom” và hưởng lãi suất cao. Sự chia sẻ này đang tạo hoài nghi đối với khả năng bám trụ của chỉ số VN-Index sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate