June 08, 2024 | 06:00 GMT+7

Gần 106.000 thí sinh làm thủ tục dự thi vào lớp 10

Ngày 7/6, gần 106.000 thí sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đến phòng thi, điểm thi để làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi vào lớp 10 THPT...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kỳ thi năm nay, toàn Thành phố có trên 117.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi; trong đó có gần 106.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 công lập; hơn 11.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi môn chuyên; hơn 250 lượt thí sinh dự thi song bằng.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023-2024, có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), tăng hơn 5.000 so với năm 2023. Dự kiến, 81.200 học sinh sẽ được tuyển vào trường trung học phổ thông (THPT) công lập (chiếm hơn 60% - tương tự năm ngoái), 29.100 em học tư thục (21,5%), còn lại vào trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường nghề.

Sở giáo dục đào tạo chia 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 và 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh, nguyện vọng 3 thuộc khu vực bất kỳ. Điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 và 3 phải cao hơn 1 và 2 điểm so với nguyện vọng 1.

Với các lớp chuyên hoặc lớp tiếng Đức hệ 7 năm (THPT Việt Đức), lớp tiếng Nhật (THPT Chu Văn An, Kim Liên, Việt Đức), trường THPT dân tộc nội trú, học sinh được đăng ký nguyện vọng không phụ thuộc khu vực tuyển sinh.

Theo kế hoạch, ngày 7/6, học sinh sẽ đến điểm thi học tập quy chế thi. Sáng 8/6, thi ngữ văn; chiều 8/6, thi ngoại ngữ; sáng 9/6, thi toán; ngày 10/6 thi chuyên; ngày 11 - 12/6 thi song bằng.

Thời điểm hiện tại, 100% các điểm thi trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi.

Năm 2024, quy chế thi có quy định rõ các vật dụng được phép và vật dụng cấm mang vào phòng thi. Theo đó, học sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, thước kẻ, bút chì, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlat địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Liên quan đến quy chế thi, nhiều phụ huynh và thí sinh đặt câu hỏi trong mấy ngày qua là trong trường hợp thí sinh quên mang thẻ CCCD có được dùng VNeID (ứng dụng định danh điện tử) ở cấp độ 2 để thay thế không, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay: Ứng dụng VNeID nằm trong điện thoại thông minh.

Theo quy chế thi, thí sinh không được mang điện thoại vào phòng thi, nếu vi phạm sẽ bị đình chỉ, hủy toàn bộ kết quả.

Để giải quyết tình huống này, Sở giáo dục đào tạo Hà Nội đưa ra phương án nhanh gọn, thuận tiện, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh mà vẫn tuân thủ đúng quy chế thi, đó là cho thí sinh viết cam kết, có chữ ký của trưởng điểm và phó trưởng điểm thi; sau buổi thi, giám thị sẽ kiểm tra, đối chiếu xác minh thông tin của thí sinh.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và UBND thành phố Hà Nội về việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, Giám đốc Công an Thành phố đã ban hành Kế hoạch, giao nhiệm vụ cho Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội; các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai các phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho kỳ thi.

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho các kỳ thi tuyển sinh, Công an Thành phố đã có công văn gửi Công an quận, huyện, thị xã về việc phân công lực lượng bảo vệ các khâu: Ra đề và in sao đề thi; áp tải vận chuyển đề thi, bài thi; coi thi; làm phách; chấm thi.

Theo đó, Công an Thành phố yêu cầu các Phòng nghiệp vụ Công an các quận, huyện nắm chắc tình hình, phát hiện và xử lý các biểu hiện tiêu cực như thi hộ, thi thuê, gian lận trong thi cử, vi phạm quy chế thi tại các hội đồng thi.

Phối hợp, bảo vệ tuyệt đối an toàn các khâu của kỳ thi từ ra đề thi, in sao đề thi, coi thi, làm phách, chấm thi.

Không để xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự như tụ tập đông người áp sát khu vực thi, phòng thi; lấy đề thi ra ngoài; đưa bài giải vào phòng thi, đe dọa hành hung giám thị, thí sinh, nhân viên phục vụ thi; cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản của cán bộ, thí sinh và người nhà thí sinh; phòng ngừa cháy, nổ và các hành vi khác gây mất an ninh, an toàn kỳ thi..

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate