March 08, 2022 | 14:27 GMT+7

Gần 6,4 triệu hộ nghèo và cận nghèo đang được hưởng thụ vốn chính sách

Đây là số lượng khách hàng còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội tính đến cuối năm 2021...

Số liệu mới nhất được Ngân hàng Chính sách xã hội cho thấy, đến ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 256.324 tỷ đồng, tăng 22.779 tỷ đồng so với cuối năm 2020.

Ngoài ra, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 247.970 tỷ đồng, tăng 21.773 tỷ đồng (tăng 9,6%) so với cuối năm 2020, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 209.875 tỷ đồng, tăng 15.527 tỷ đồng ( tăng 8%) so với cuối năm 2020, hoàn thành 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, với gần 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung triển khai thực hiện chương trình cho vay người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; các đơn vị trong toàn hệ thống giải ngân cho 2.474 lượt người sử dụng lao động với số tiền là 2.316 tỷ đồng để trả lương cho 603.050 lượt người lao động.

Trong năm 2021, tổng doanh số cho vay đạt 80.211 tỷ đồng, tăng 4.386 tỷ đồng so với năm 2020, với trên 2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Bên cạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng nợ tiếp tục được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,7% trên tổng dư nợ. Kịp thời xử lý các khoản nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các nguyên nhân khác nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp người vay có điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Ban điều hành ngân hàng trong thời gian qua.

Đồng thời, Thống đốc cũng cho biết, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi và thực hiện hỗ trợ lãi suất, cấp bù lãi suất và phí quản lý.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các Bộ, ngành, các đơn vị có liên quan và chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống triển khai kịp thời Nghị quyết số 11/NQ-CP; chủ động nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai có hiệu quả gói tín dụng chính sách ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2 năm giai đoạn 2022 - 2023.

Thêm vào đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cần tích cực, chủ động thực hiện công tác huy động các nguồn vốn, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng chính sách kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu về vốn của các đối tượng thụ hưởng, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao và đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate