Không chỉ các chỉ số đỏ, hôm nay thị trường đón nhận phiên điều chỉnh trên diện rộng khi cổ phiếu lao dốc chiếm ưu thế. Lực bán chủ động tăng lên cũng đẩy thanh khoản tăng, nhưng không phải tất cả đều tiêu cực.
VN-Index kết phiên giảm nhẹ 1,24 điểm tương đương 0,1%, độ rộng ghi nhận 147 mã tăng/298 mã giảm. Ảnh hưởng của các blue-chips cũng khá rõ, nhưng vẫn còn sự giằng co đủ tốt giữa các trụ.
Trong số các chỉ số nhóm vốn hóa của HoSE, VN30-Index lại là nhóm kém nhất, giảm 0,77%, độ rộng chỉ có 11 mã tăng/19 mã giảm. Phía giảm của nhóm blue-chips có đủ các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, nhưng số tăng cũng có nhiều đại diện. Nhờ sự giằng co này mà thị trường tuy giảm gần như trọn phiên, nhưng cường độ không quá mạnh.
GAS kịch trần phiên thứ hai kể từ đầu năm nhờ giá dầu thế giới tăng mạnh. Giá lên mức 117.700 đồng là tương đương với đỉnh cao đầu tháng 3 vừa qua. So với các đỉnh cao của giá dầu, biến động giá cổ phiếu này khá tương đồng.
Cùng với GAS, 5 cổ phiếu lớn khác trong VN-Index cũng tăng khá là CTG tăng 2,2%, MSN tăng 2,18%, VHM tăng 1,61%, PLX tăng 1,38% và VCB tăng 1,15%. Nhờ có các cổ phiếu này tăng nổi bật, VN-Index được níu giữ bù lại số giảm sâu, bao gồm HPG giảm 2,12%, VPB giảm 1,9%, BID giảm 1,26%, TCB giảm 1,59%, VNM giảm 1,1%.
Với độ rộng hẹp, về cơ bản cổ phiếu mất giá làm nhà đầu tư thiệt hại nhiều hơn. Tuy vậy khả năng chọn lựa cổ phiếu có thể là yếu tố quyết định. Nhiều cổ phiếu/nhóm cổ phiếu vẫn mạnh mẽ phiên này, thậm chí tăng xuất sắc. Các nhóm cổ phiếu liên quan đến dầu khí là tiêu biểu.
Bên cạnh GAS, PTV và PGC cũng tăng kịch trần. Nhóm PVO, BSR, PVS, POV, PSH, PVC, OIL, PVD tăng hơn 3%. Nhóm hóa chất, phân bón có DCM kịch trần, DPM có một đợt xả cuối phiên đã bị đánh bay mất giá trần, nhưng kết phiên vẫn tăng 5,49%. DDV, PSW, LAS, PMB tăng hơn 4%. Các mã hóa chất như DGC, CSV hay các mã cao su như TNC, RTB, PHR, DPR cũng tăng tích cực.
Các cổ phiếu này tăng giá và hầu hết cũng tăng mạnh thanh khoản, thể hiện sự thu hút của dòng tiền mạnh mẽ. Nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào nhóm hưởng lợi trong bối cảnh thị trường chung đang bắt đầu bị chốt lời ngắn hạn nhiều hơn. Điều này cho thấy sự chú ý về yếu tố cơ bản là mạnh hơn các yếu tố kỹ thuật. Ví dụ GAS hôm nay lên đỉnh giá 2 tháng nhưng thanh khoản vẫn lớn gấp 3 lần mức bình quân 20 phiên. DCM cũng tăng thanh khoản 58% so với mức bình quân này, DPM tăng 59%, PVD tăng 42%, PVS tăng 34%...
Hầu hết các cổ phiếu hút thanh khoản mạnh phiên này cũng đã tăng tương đối mạnh trong ngắn hạn và cùng tạo đáy với chỉ số hay nhiều mã khác. Thanh khoản lớn hôm nay thể hiện vẫn có yếu tố chốt lời như tình trạng chung trên thị trường. Dù vậy dòng tiền từ các nhà đầu tư theo yếu tố cơ bản đã mạnh hơn các nhà đầu cơ lướt sóng và giá được đẩy tăng mạnh.
Mặc dù thị trường thật sự có hiện tượng bán gia tăng, nhiều cổ phiếu đỏ, nhưng mức độ giảm cũng không có gì sốc. HoSE kết phiên với 69 mã giảm trên 2% và 73 mã khác giảm trên 1%. Nếu tính theo thanh khoản, giao dịch tại nhóm cổ phiếu giảm trên 2% hôm nay chỉ chiếm 17% sàn.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng tranh thủ mua vào khá tốt. Ngay cả khi không tính tới giao dịch của các chứng chỉ quỹ, dòng vốn ngoại vẫn mua ròng cổ phiếu trên HoSE khoảng 270 tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ sàn, mức mua ròng đạt 384,3 tỷ đồng. Cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là PNJ -66,8 tỷ, DPM -55,1 tỷ. Mua ròng có VHM +63,4 tỷ, DGC +46,9 tỷ, MSN +35,7 tỷ, NLG +34,2 tỷ, HDB +32 tỷ.
Trong 5 phiên tăng gần nhất, hôm nay là phiên đầu tiên cả hai sàn chứng kiến số lượng cổ phiếu giảm giá áp đảo số tăng. Điều này xác nhận một phiên điều chỉnh rõ ràng hơn các nhịp dao động điều chỉnh trong phiên như trước. Tuy vậy, sự phân hóa theo nhóm ngành cũng thể hiện mối quan tâm về yếu tố cơ bản của cổ phiếu, nhóm ngành cũng mạnh hơn mối quan tâm về ngưỡng cản kỹ thuật.