Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (10/6), khi nhà đầu tư cho rằng số liệu kinh tế vừa công bố khẳng định quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) rằng việc lạm phát leo thang chỉ là tạm thời.
Cả ba chỉ số chính cùng đi lên, trong đó mức tăng mạnh nhất thuộc về Nasdaq, nhờ các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn được mua nhiều. Trong khi đó, cổ phiếu giao thông – một nhóm nhạy cảm với chu kỳ kinh tế - và các cổ phiếu vốn hoá nhỏ cùng chốt phiên trong trạng thái giảm.
Báo cáo được chờ đợi từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của nước này tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ mùa hè 2018 – thời điểm giá dầu tăng bùng nổ.
Nếu không tính hai nhóm mặt hàng nhiều biến động là năng lượng và thực phẩm, CPI lõi tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1992. 1/3 mức tăng này đến từ cú tăng 7,3% của giá xe ô tô và xe tải đã qua sử dụng.
Thời gian qua, Phố Wall đã lo ngại lạm phát leo thang sẽ dẫn tới việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến. Trong khi đó, Fed vẫn nói rằng việc lạm phát tăng vọt này chỉ là vấn đề tạm thời và giá cả sẽ sớm dịu đi sau vài tháng. Theo Fed, giá cả bùng lên chẳng qua là do nhu cầu bị dồn nén và phản ứng chậm của chuỗi cung ứng.
Lần này, thị trường có vẻ tiếp tục tin vào những gì Fed nói.
“Lạm phát tăng mạnh hơn dự báo, nhưng có vẻ như vẫn chỉ là vấn tạm thời. Fed có thể tiếp tục giữ nguyên quan điểm của mình” về chính sách tiền tệ nới lỏng – chuyên gia John Briggs thuộc NatWest Markets nói với hãng tin CNBC.
Theo hãng tin Reuters, nếu nhìn kỹ vào CPI tháng 5, mức tăng chủ yếu đến từ những nhóm mặt hàng như ô tô cũ, nguyên vật liệu thô, và giá máy bay, nên có thể cho rằng sự leo thang sẽ không kéo dài.
“Đầu tuần này, thị trường đã trải qua những ngày giao dịch buồn tẻ vì ngóng chờ báo cáo CPI”, chiến lược gia Ryan Detrick thuộc LPL Financial phát biểu. “Nhưng một khi mọi người xem xét vấn đề kỹ lưỡng hơn, có thể thấy rằng lạm phát tăng chủ yếu do nền kinh tế mở cửa trở lại. Nên thị trường đã thở phào và tăng điểm”.
“Thị trường cảm thấy thoải mái với số liệu CPI mới, vì nhận thấy rằng toàn bộ nền kinh tế hiện không phải là quá nóng”, ông Detric nói thêm.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,06%, đạt 34.466,24 điểm. S&P 500 tăng 0,47%, đạt kỷ lục 4.239,18 điểm. Nasdaq tăng 0,78%, đạt 14.020,33 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500, y tế là nhóm đạt mức tăng mạnh nhất phiên này. Trong đó, cổ phiếu hãng dược Pfizer tăng 2,2% sau khi có tin Chính phủ Mỹ sẽ chi khoảng 3,5 tỷ USD để mua 500 triệu liều vaccine Covid-19 của Pfizer để tặng cho 100 quốc gia thu nhập thấp nhất thế giới.
Trái lại, cổ phiếu tài chính – nhóm nhạy cảm với lãi suất – giảm mạnh nhất do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống.