Sau quý 3/2022 ấn tượng với tốc độ tăng trưởng hai con số, GDP quý 4/2022 theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 4/2022 và năm 2022 của Tổng cục Thống kê (29/12) đã tăng trưởng chững lại với mức tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy quý 4 năm nay tăng cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng của quý 4 các năm 2011-2019, giai đoạn trước khi Covid-19 xảy ra. Điều này cho thấy, dù nền kinh tế đã phục hồi song vẫn chưa quay lại “trạng thái cũ” bởi quý 4 các năm thường là giai đoạn tăng tốc của nền kinh tế khi nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đều gia tăng.
Dẫu vậy, với mức tăng này, GDP cả năm vẫn tăng 8,02% so với năm trước, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
“Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự Nga – Ukraine… làm gia tăng rủi ro tài chính, thương mại và đầu tư thì đây là mức tăng trưởng ấn tượng”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Trước đó, các tổ chức quốc tế cũng dự báo Việt Nam sẽ cán đích quanh mức 7,5-8% trong năm 2022 và là điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và thế giới. Cụ thể, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2022 của Việt Nam lên 8,1% (dự báo cũ là 7,6%), ADB dự báo là 7,5% (trước đây là 6,5%), UOB là 8,2% (cao hơn đáng kể so với mức dự báo trước là 7%)…
Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, cả 3 trụ cột quan trọng của nền kinh tế đều có sự phục hồi mạnh mẽ.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế; trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%, đóng góp 0,04% điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 5,19%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 8,17%, đóng góp 0,59 điểm phần trăm.
Đặc biệt, khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,80%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm.
“Riêng ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 7,6%, làm giảm 0,13 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên chi cho phòng, chống dịch bệnh giảm so với năm 2021”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Dù tăng trưởng GDP năm 2022 bứt tốc mạnh mẽ song bước sang năm 2023, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn như hiện nay.
“Vì vậy, để kịp thời có giải pháp khắc phục, chủ động tận dụng cơ hội, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển, thời gian tới cần tập trung vào 6 giải pháp chính”, bà Nguyễn Thị Hương nêu kiến nghị.
Một là, theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam.
Hai là, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Ba là, Bộ ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023.
Bốn là, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản; đa dạng hóa thị trường và hàng hóa xuất khẩu. Điều chỉnh kịp thời chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao. Triển khai mạnh mẽ các chương trình, giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Năm là, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch; thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng.