Giá hợp đồng tương lai cà phê robusta trên sàn hàng hóa London lập kỷ lục 4.500 USD/tấn vào cuối tháng 4. Dù đến nay đã hạ nhiệt nhưng giá mặt hàng này vẫn đang ở mức cao hơn đáng kể so với thời điểm cuối năm ngoái.
Theo tờ báo Nikkei Asia, xu hướng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, bên cạnh thời tiết không thuận lợi hay nhu cầu tiêu thụ tăng ở châu Á, một nguyên nhân đáng chú ý là sự yêu thích sầu riêng ở Trung Quốc.
Cà phê và sầu riêng dường như không liên quan nhưng trong trường hợp này lại có mối liên hệ mật thiết. Bởi lẽ, tại Việt Nam, nước sản xuất hạt cà phê lớn thứ hai thế giới và cà phê robusta lớn nhất thế giới, nhiều nông dân đang chuyển từ trồng cà phê sang trồng sầu riêng để đáp ứng nhu cầu tăng lên từ nước láng giềng.
Được mệnh danh là “vua của các loài quả”, sầu riêng ngày càng phổ biến tại Trung Quốc những năm gần đây. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 490.00 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, thu về hơn 2,1 tỷ USD, tăng gấp hơn 5 lần so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc của Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng thêm nữa trong năm nay.
Việc chuyển sang trồng sầu riêng làm giảm diện tích canh tác cà phê tại Việt Nam, từ đó giảm nguồn cung ra thế giới. Điều này diễn ra trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino gây hạn hán ở khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam đạt 29,2 triệu bao loại 60kg, giảm 9,8% so với cùng kỳ một năm trước – theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế.
"Thời tiết quá nóng và không có đủ nước, vì vậy cây cà phê phát triển không được tốt”, một nhà buôn hạt cà phê tại TP.HCM, chia sẻ. Có hợp đồng mua cà phê với một trang trại ở tỉnh Đắc Nông, người này cho biết nhiều vùng cà phê tại đây đang thiếu nước do hạn hán kéo dài.
Một nguyên nhân nữa khiến giá cà phê robusta tăng mạnh là các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu chuyển từ hạt cà phê arabica cao cấp – chủ yếu trồng ở Trung và Nam Mỹ – sang dùng hạt cà phê robusta giá tương đối rẻ nhằm ứng phó với tình trạng giá nhiên liệu và vận tải tăng lên.
Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản như tiêu thụ cà phê robusta ở Đông Nam Á và Trung Quốc tăng lên cũng góp phần vào cơn sốt giá. Từ tháng 10/2022-9/2023, tiêu thụ mặt hàng này tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đạt 44,5 triệu bao loại 60kg, chiếm hơn 25% tổng mức tiêu thụ toàn cầu và tăng 12% so với mức bình quân 4 năm qua. Trong khi đó, tổng mức tiêu thụ toàn cầu chỉ tăng 1% trong giai đoạn này.