June 22, 2021 | 14:58 GMT+7

Giá các tài sản biến ra sao khi Fed bất ngờ chuyển sang cứng rắn?

Kiều Oanh -

Sự thay đổi lập trường này của Fed được thị trường tài chính xem là có phần hơi gấp, và giá các tài sản vì thế đã biến động mạnh...

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Rueters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Rueters.

Tin rằng nền kinh tế đang phục hồi nhanh sau đợt suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rục rịch lên kế hoạch cho việc thắt lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo triển khai trong thời gian đại dịch vừa qua. Sự thay đổi lập trường này của Fed được thị trường tài chính xem là có phần hơi gấp, và giá các tài sản vì thế đã biến động mạnh.

Dù chưa đưa ra một kế hoạch chính thức, đa phần các quan chức trong Ủy ban Thị trường mở (FOMC) của Fed dự báo Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong năm 2023, thay vì trong năm 2024 như dự kiến trước đây. Trong năm 2023, Fed có thể sẽ nâng lãi suất ít nhất hai lần từ mức 0-0,25% hiện nay,  theo dự báo Fed đưa ra khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ hôm 15-16/6. Thậm chí, có 8 trong số 18 thành viên FOMC dự báo sẽ có ít nhất ba lần nâng lãi suất trong 2023.

Fed chưa đưa ra dự báo nào về chương trình nới lỏng định lượng (QE) với 120 tỷ USD được bơm ra mỗi tháng để mua tài sản, nhưng các quan chức Fed đã nói rằng họ sẽ cắt giảm dần tiến tới kết thúc chương trình này trước khi bắt đầu nâng lãi suất.

LẦN THẮT CHẶT NÀY CÓ GÌ KHÁC TRƯỚC?

Sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế 2007-2009, phải mất hai năm để Fed đi từ việc chính thức công bố cắt giảm QE cho tới lần nâng lãi suất đầu tiên. Chương trình QE khép lại sau 10 tháng cắt giảm và nền kinh tế Mỹ còn yếu ở thời điểm đó có thêm hơn một năm để chuẩn bị đón nhận mức lãi suất cao hơn. Sau lần nâng lãi suất đầu tiên, phải một năm sau Fed mới nâng lãi suất lần thứ hai.

 

“Sự mềm mỏng tối đa đã đi đến hồi kết. Fed chưa hoàn toàn cứng rắn. Chỉ là chúng ta đã đi qua thời kỳ đỉnh điểm của sự mềm mỏng. Nhưng thị trường phản ứng như thể Fed đã bắt đầu thắt chặt rồi”.

Giám đốc đầu tư Peter Boockvar, Bleakley Global Advisors

Lần này, Fed không chỉ bất ngờ “bẻ lái” từ mềm mỏng sang cứng rắn, mà có vẻ như Fed sẽ hành động nhanh hơn trước.

Theo cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, nhiều khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản vào tháng 1/2022. Nếu như Fed nâng lãi suất hai lần trước khi kết thúc năm 2023 như chính Fed dự báo, thì khoảng thời gian từ lúc bắt đầu cắt giảm QE cho tới lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ được rút ngắn nhiều. Ngoài ra, khoảng cách giữa các lần nâng lãi suất cũng không còn dài như lần trước.

Nhưng như thế không có nghĩa là Fed sẽ thắt chặt ngay và luôn.

Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 16/6 nói rằng nền kinh tế Mỹ vẫn còn một chặng đường dài phải đi cho tới khi hồi phục hoàn toàn, đủ để Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản. Ông cũng nói kế hoạch của Fed về nâng lãi suất mới là dự kiến của các thành viên FOMC, chứ vấn đề này chưa được Fed mang ra thảo luận.

Khác biệt tiếp theo ở lần thay đổi lập trường chính sách này của Fed so với trước kia nằm ở tình trạng của nền kinh tế.

Sau khủng hoảng tài chính 2008, sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ diễn ra chậm hơn và thường xuyên không đạt dự báo mà Fed đưa ra hàng quý. Hiện nay, kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng được Fed dự báo có thể đạt 7% trong năm 2021, mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.

Sau cuộc họp ngày 15-16/6, ông Powell nói rằng thông điệp chính mà Fed muốn đưa ra trong việc điều chỉnh dự báo chính sách tiền tệ là “nhiều thành viên dự họp hài lòng khi nhận thấy rằng các điều kiện kinh tế mà FOMC dự báo có thể được đáp ứng sớm hơn so với nhận định”. “Nếu điều đó thực sự xảy ra, thì nền kinh tế sẽ tiến nhanh hơn về phía các mục tiêu của chúng tôi”, ông Powell nói.

Người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới nói bắt đầu từ cuộc họp tháng 7, Fed sẽ đánh giá xem liệu nền kinh tế đã đạt bước tiến quan trọng tới mục tiêu lạm phát 2% và đầy đủ việc làm hay chưa, để Fed có thể tiến tới cắt giảm chương trình mua tài sản. Việc đánh giá này sẽ diễn ra “có trật tự, theo phương pháp phù hợp, và minh bạch”.

Đây là một khác biệt nữa so với lần thắt chặt trước của Fed.

Tám năm trước, Fed đã khiến thị trường sửng sốt khi chuyển sang lập trường thắt chặt, bởi nền kinh tế Mỹ lúc đó còn khá yếu. Hiện nay, thị trường đã phần nào lường trước được rằng Fed sẽ bớt mềm mỏng, bởi có một sự đồng thuận rằng nền kinh tế đang phục hồi nhanh và sức ép lạm phát gia tăng mạnh mẽ.

“Vào năm 2013, Fed là người khởi xướng cuộc thảo luận về cắt giảm QE, và thị trường bị bất ngờ. Lần này, rõ ràng Fed và thị trường về cơ bản đồng quan điểm”, chuyên gia kinh tế Ellen Gaske thuộc PGIM Fixed Income nói với Reuters.

THỊ TRƯỜNG SẼ TIẾP TỤC BIẾN ĐỘNG?

Nhưng dù sao, sự dịch chuyển lập trường của Fed cũng nhanh và mạnh hơn so với kỳ vọng của thị trường. Và điều này đã khiến giá các tài sản biến động mạnh.

Hưởng lợi nhiều nhất từ sự cứng rắn của Fed là đồng USD. Trong vòng ba phiên giao dịch sau tuyên bố của Fed, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng gần 2%, đạt 92,3 điểm – mức cao nhất trong hơn hai tháng.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh. Trong phiên giao dịch ngày 18/6, sắc đỏ phủ khắp thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu. Chỉ số S&P 500 của Phố Wall giảm hơn 1,3%, trong khi chỉ số Stoxx 600 của thị trường châu Âu sụt gần 1,6%.

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ các kỳ hạn ngắn hơn như trái phiếu hai năm tăng lên. Trái lại, lợi suất của các trái phiếu kỳ hạn dài hơn, như trái phiếu 10 năm, lại giảm. Đây là biến động điển hình của lợi suất trái phiếu trong môi trường lãi suất tăng. Logics của biến động này là với lãi suất cao hơn, nền kinh tế có thể tăng trưởng yếu đi trong dài hạn, nên lợi suất trái phiếu dài hạn hơn phải giảm để phản ánh sự suy yếu đó. Trong khi đó, lợi suất của trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn tăng để phản ánh sự tăng lãi suất sắp diễn ra.

Vàng – một kênh đầu tư hưởng lợi nhiều từ chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của Fed trong năm 2020 – giảm giá chóng mặt. Trong tuần trước, giá vàng sụt gần 6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong 15 tháng.

Các hàng hoá cơ bản khác cũng chịu sức ép giảm mạnh từ sự mạnh lên của đồng USD. Tính cả tuần trước, giá kim loại đồng sụt hơn 9%, đảo ngược xu hướng tăng mạnh từ đầu năm.

Giới chuyên gia cho rằng thị trường chưa đến mức bị sốc vì đã đoán trước được phần nào sự thay đổi lập trường của Fed, nhưng phản ứng có vẻ hơi quá đà. Đây là một dấu hiệu cho thấy giá các tài sản sẽ có sự biến động mạnh trong thời gian tới.

“Sự mềm mỏng tối đa đã đi đến hồi kết. Fed chưa hoàn toàn cứng rắn. Chỉ là chúng ta đã đi qua thời kỳ đỉnh điểm của sự mềm mỏng. Nhưng thị trường phản ứng như thể Fed đã bắt đầu thắt chặt rồi”, Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Global Advisors nhận định với hãng tin CNBC. “Thị trường đang thực hiện các giao dịch của một môi trường lãi suất tăng, của niềm tin rằng Fed sẽ khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Nhà đầu tư bán hàng hoá cơ bản, bán các cổ phiếu có tính chu kỳ cao... và họ muốn mua những cổ phiếu tăng trưởng. Tất cả đã thay đổi chỉ trong vòng hai ngày”.

Cũng theo ông Boockvar, bằng cuộc họp vừa rồi, Fed đã kiềm chế được kỳ vọng lạm phát. “Fed cần phải ghìm câu chuyện về lạm phát. Họ làm rất nhẹ nhàng, nhưng đã thành công trong việc siết các kỳ vọng đó”.

Với cuộc họp tiếp theo của Fed diễn ra trong tháng 7, tâm lý của giới đầu tư ở Phố Wall và trên toàn cầu sẽ còn nhiều bấp bênh bởi họ muốn biết Fed liệu có cung cấp thêm thông tin chi tiết về kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Fed sẽ đợi tới hội nghị thường niên ở Jackson Hole vào tháng 8 mới công bố kế hoạch cắt giảm QE.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate