Lợi nhuận sau thuế Q1/2023 của 765 doanh nghiệp và ngân hàng giảm -18,3% so với cùng kỳ, trong đó khối Phi tài chính ghi nhận giảm sâu 41,5%, theo thống kê của FiinTrade.
LỢI NHUẬN SAU THUẾ GIẢM SÂU
Cụ thể, với Khối Phi tài chính, lợi nhuận sau thuế giảm -41,5% trong quý 1, trong đó giảm mạnh nhất ở ngành Tài nguyên cơ bản (Thép), Hóa chất (Phân bón và Hóa chất), Xây dựng và Vật liệu.
Riêng với Bất động sản, lợi nhuận quý 1 tăng 115,9%. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức tăng trưởng cao chủ yếu đến từ VHM (+152,3%) và VRE (+171,1%). Nếu không tính đến VHM và VRE, các doanh nghiệp còn lại giảm -4%.
Cho cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế dự kiến suy yếu ở hầu hết các ngành phi tài chính, trong đó: Những ngành bước vào chu kỳ suy giảm, chủ yếu liên quan đến xuất khẩu như Logistics (HAH), Hóa chất (DGC), Phân bón (DPM, DCM), May mặc (TNG, MSH), Thủy sản (VHC, CMX). Trở lực chính là xuất khẩu kém vì rủi ro suy thoái tại Mỹ, Châu Âu và gia tăng cạnh tranh từ Trung Quốc sau động thái “mở cửa”.
Những ngành đặt kế hoạch lợi nhuận tăng cao trên nền thấp của 2022, bao gồm Tài nguyên cơ bản (Thép) và Bất động sản.
Với bất động sản, lợi nhuận sau thuế năm 2023 dự kiến tăng +9,7%, chủ yếu đến từ VRE (+71%) với kỳ vọng tỷ lệ lấp đầy và giá cho thuê ở các trung tâm thương mại hồi phục và VHM (+3,9%) nhờ bàn giao các sản phẩm ở OP 1 và 2. Nhóm có quy mô nhỏ hơn như NLG, KDH đưa ra kế hoạch lợi nhuận thận trọng.
Cần lưu ý rằng dự kiến tăng trưởng này chưa tính đến kế hoạch lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đầu ngành bao gồm NVL, PDR và DXG hiện gặp áp lực lớn về dòng tiền do hệ lụy từ trái phiếu doanh nghiệp và đang chờ “tháo gỡ” pháp lý cho các dự án bất động sản.
Với nhóm thép, trong Q4/2022, lợi nhuận sau thuế ngành Thép giảm quý thứ 4 liên tiếp và hầu hết các doanh lớn (bao gồm HPG, HSG, NKG) báo lỗ trong nửa cuối 2022 với biên EBIT âm (-6,1%). Điểm tích cực là số ngày tồn kho nguyên vật liệu bình quân giảm từ mức 54,8 ngày trong Q2-2022 còn 40,2 ngày trong quý 4, nhưng vẫn cao hơn so với giai đoạn 2016- 2019 (27 ngày). Áp lực hàng tồn kho giá cao dịu đi được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện biên EBIT của nhóm Thép trong các quý sau này.
Lợi nhuận sau thuế kế hoạch năm 2023 của nhóm Xây dựng hạ tầng giảm -12,6%, chủ yếu do lợi nhuận tăng thấp hoặc giảm sâu ở một số doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông như HHV, CII, LCG trong bối cảnh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng khá chậm, giá vật liệu và chi phí nhân công tăng mạnh.
Ngược lại, vẫn có doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận đột phá. Cụ thể, FCN đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế +143%, đạt 125 tỷ đồng, nhưng một nửa là thu nhập từ hoạt động đầu tư. Trong khi đó, CTD đưa ra kế hoạch lợi nhuận tăng +1026% với giá trị backlog chuyển từ 2022 sang đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng, chưa bao gồm dự án nhà máy LEGO. Giá cổ phiếu CTD đã tăng hơn +70% trong 1 tháng gần đây với P/B tăng +60%.
Trong nhóm Vật liệu xây dựng, ngoại trừ VLB, kế hoạch kinh doanh của một số doanh nghiệp đáng chú ý khác không có nhiều đột phá. Với VLB, mặc dù tăng trưởng được dự kiến ở mức +305,6% nhưng lợi nhuận sau thuế kế hoạch cho 2023 vẫn khá thấp nếu so với các năm trước đây.
Trên thực tế, mặc dù giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án giao thông nói chung tăng mạnh, nhưng nhu cầu về đá xây dựng ở khu vực phía Nam đang chịu tác động tiêu cực bởi tiến độ thi công chậm tại nhiều dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ trong khi nhiều dự án bất động sản không được triển khai vì vướng các thủ tục pháp lý hoặc thiếu vốn.
Ngược lại, những ngành có kế hoạch lợi nhuận tăng thấp hoặc giảm tốc: Công nghệ thông tin và Bán lẻ. Với Bán lẻ chủ yếu là các doanh nghiệp phân phối sản phẩm ICT như MWG, DGW, FRT, PET: Với sức mua các mặt hàng lâu bền giảm sâu mục tiêu tăng trưởng năm 2023 (+0,7%) vẫn khá thách thức, khiến định giá của các cổ phiếu Bán lẻ trở nên đắt trong ngắn hạn.
ĐỊNH GIÁ CHƯA HẤP DẪN
Về mặt định giá, P/E của khối Phi tài chính hiện ở mức 15.x, tăng 23% so với giữa tháng 11/2022 và +15% và góp phần đáng kể vào mức tăng điểm của VN-Index giai đoạn vừa qua.
Theo các nhóm Ngành: Đối với nhóm ngành có giá cổ phiếu tăng điểm: Khai thác dầu khí, Điện và Dược phẩm có giá tăng nhờ lợi nhuận tăng. Các ngành còn lại có giá tăng nhờ định giá tăng lên trong khi lợi nhuận giảm và triển vọng lợi nhuận chưa thực sự cải thiện. Điều này cho thấy rằng giá cổ phiếu tăng lên chủ yếu do tâm lý là chính.
Đối với nhóm ngành có giá cổ phiếu giảm điểm: Ngoại trừ Hóa chất, các ngành còn lại có giá cổ phiếu giảm do lợi nhuận giảm và trong môi trường lãi suất cao và cầu suy yếu, hoạt động kinh doanh dự kiến sẽ tiếp tục gặp khó khiến lợi nhuận chưa thể hồi phục trong ngắn hạn.
Với lợi nhuận sau thuế kế hoạch 2023 dự kiến giảm -20,6%, khối Phi tài chính có P/E fwd là 19.7x, cao hơn 30% so với mức hiện tại. Trong môi trường lãi suất duy trì ở mức cao, định giá không còn ở vùng hấp dẫn và triển vọng lợi nhuận kém của các doanh nghiệp niêm yết ở hầu hết các nhóm ngành đang là trở ngại đối với dòng tiền tham gia vào thị trường.
Các ngành có P/E 2023 fwd thấp hơn hiện tại: Khai thác dầu khí và Thép là hai ngành mà lợi nhuận sau thuế kế hoạch 2023 dự kiến hồi phục sau năm 2022 nhiều khó khăn, nhưng thiếu động lực tăng trưởng hiện khá yếu. Với Bán lẻ, P/E fwd thấp hơn so với hiện tại, nhưng khá “đắt” với lợi nhuận sau thuế kế hoạch 2023 dự kiến chỉ tăng 0,7% (trong quá khứ P/E này thường được “trả” cho mức tăng trưởng LNST trên 20%).
P/E 2023 fwd của ngành Công nghệ thông tin ở mức 14x, thấp hơn so với hiện tại (16.2x) cho dù lợi nhuận sau thuế kế hoạch 2023 dự kiến giảm tốc, nhưng chỉ số giá của ngành (đại diện là FPT) giảm ít hơn so với thị trường chung.
Các ngành có P/E 2023 fwd cao hơn hiện tại: Đáng chú ý có nhóm Đường với P/E 2023 fwd dự kiến ở mức 16,1x, cao hơn hiện tại (13x), tuy nhiên bối cảnh hiện tại (nhu cầu về đường tăng lên trong khi nguôn cung từ Brazil và Ấn độ bị ảnh hưởng, hỗ trợ giá đường tăng) có thể giúp doanh nghiệp Đường cải thiện đáng kể về kết quả kinh doanh trong năm 2023.