Cổ phiếu dầu khí một lần nữa “chiếm sóng” giao dịch nhờ giá dầu liên tục tăng mạnh. Dầu Brent và dầu WTI trong phiên châu Á tăng đạt đỉnh 3 năm. Một loạt mã dầu khí trên 3 sàn tăng dữ dội.
Giá dầu thế giới đã tăng trong cả tuần trước, nhưng cổ phiếu dầu khí hầu như chỉ đi ngang hoặc giảm nhẹ do áp lực bán ngắn hạn. Phiên đầu tuần hôm nay hiện tượng phân hóa vẫn xuất hiện trong nhóm này, nhưng các mã thoát khỏi áp lực bán đều tăng rất tốt.
GAS vươn lên trở thành cổ phiếu trụ dẫn dắt VN-Index, với mức tăng 5,8%. Cổ phiếu này giao dịch bùng nổ ngay 30 phút đầu tiên sau khi thị trường mở cửa. Ban đầu GAS chỉ tăng chưa tới 0,5% so với tham chiếu, nhưng đến 9h30 đã vọt lên +3,93%. Sau vài nhịp chỉnh nhẹ, GAS tiếp tục tăng 119.100 đồng, trên tham chiếu 6,34%. Chốt phiên sáng GAS vẫn đang tăng 5,8%, đóng góp tới gần 3,4 điểm cho VN-Index.
Khoảng 3,45 triệu GAS đã được chuyển nhượng sáng nay, đạt giá trị 284,9 tỷ đồng. Mã này cũng lọt vào Top 10 thanh khoản trên cả hai sàn niêm yết. Với mức giá 118.500 đồng, GAS đã vượt qua đỉnh đầu tháng 4/2018 (theo giá điều chỉnh) và chính thức có đỉnh cao lịch sử mới.
Hầu hết các mã trong nhóm dầu khí sáng nay đều tăng rất tốt, nhưng vẫn có phân hóa về sức mạnh. Một số mã nhỏ tăng rất khỏe như PPY tăng 8,67%, PVD tăng 5,63%, PVO tăng 5,38%, PVS tăng 4,53%, BSR tăng 4,37%, PVC tăng 4,03%. Số còn lại tăng yếu hơn như PLX chỉ tăng 1,12%.
Điều đáng tiếc cho nhóm dầu khí là ảnh hưởng tới VN-Index khá hạn chế, chỉ có GAS là đáng lể. Tuy vậy sáng nay thị trường hưởng lợi lớn từ nhóm blue-chips VN30 khá mạnh. Nhóm ngân hàng đóng góp VPB tăng 3,6%, TCB tăng 0,95%. Số trụ còn lại chỉ HPG tăng 1,4% là đáng kể.
Dù rổ VN30 có 19 mã tăng/9 mxa giảm cuối phiên sáng nay, nhưng mức tăng không đủ mạnh trên diện rộng. Ngoài các mã nói trên, những trụ khác đều yếu: VIC, VCB tham chiếu, SAB giảm 1,72%, VHM tăng 0,12%, VNM giảm 0,78%, CTG giảm 0,82%...
VN30-Index chốt phiên sáng tăng 0,63%, là chỉ số mạnh nhất sàn HoSE, Midcap chỉ tăng 0,31%, Smallcap tăng 0,54%. Độ rộng chung sàn HoSE là 200 mã tăng/197 mã giảm. Như vậy thị trường về tổng thể vẫn chỉ đang phân hóa bình thường. VN-Index tăng 0,52% hay 7,27 điểm sáng nay nhờ sự mạnh lên của một số trụ khác biệt.
Hiện tượng phân hóa đang khiến thị trường giao dịch khá kỳ lạ khi ngay trong một nhóm cổ phiếu cũng có mã tăng mã giảm. Bù lại nếu lựa chọn tốt, nhà đầu tư vẫn sẽ có vị thế giao dịch mạnh. Mặt khác, hiện tượng phân hóa tạo cảm giác thị trường vẫn đang có nhóm cổ phiếu dẫn dắt, dù không có được sự đồng bộ. Chẳng hạn ngân hàng vẫn có mã mạnh kéo chỉ số, dù nhiều mã vẫn giảm. Cổ phiếu chứng khoán cũng không tăng đều, trong khi nhóm thép, phân bón đều có mã xuất sắc bên cạnh các mã quay đầu...
Thanh khoản thị trường sáng nay cũng tăng rất tích cực, hai sàn khớp lệnh 13.502 tỷ đồng, tăng 17,8% so với sáng phiên trước. Riêng sàn HoSE tăng 17,7%, đạt 11.910 tỷ đồng. Phần lớn mức tăng thanh khoản ở HoSE là nhờ rổ VN30. Tính về con số tuyệt đối thì mức tăng giao dịch 1.794 tỷ đồng ở HoSE có tới 70% thuộc về rổ VN30.
Mặc dù vậy các nhóm cổ phiếu ngoài VN30 cũng có nhiều đại diện giao dịch rất sôi động. NKG, HSG còn lọt vào Top 5 hai sàn, đưa nhóm thép thành các mã thanh khoản tốt nhất. KBC, SHB, PVS cũng là các mã giao dịch rất lớn trong Top 10. Điểm tích cực là trong Top 10 thanh khoản, duy nhất có KBC giảm giá 0,88%. Mở rộng ra Top 20 thì cũng chỉ thêm DPM giảm 0,12%, FLC giảm 0,83% và SSI giảm 0,98%. Điều đó nghĩa là thanh khoản tốt đi kèm với diễn biến tăng giá.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng 261,6 tỷ đồng trên HoSE với giao dịch tập trung tại HPG, bán ròng tới 125 tỷ đồng. KBC, NKG, CTG, DPM, SSI, VHM, VNM là các mã khác bị bán ròng từ 20 tỷ đồng trở lên. Phía mua chỉ có STB với 35 tỷ đồng và HAH với 28 tỷ đồng là đáng kể.