Giá dầu thế giới lao dốc khoảng 7% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (18/3), đánh dấu phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Gây áp lực giảm lên giá dầu là chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 ở châu Âu trục trặc và căng thẳng Mỹ-Nga gia tăng.
"Căng thẳng Mỹ-Nga đang gia tăng. Mỹ đe dọa áp lệnh trừng phạt lên Nga", chiến lược gia Phillip Streible của Blue Line Futures nói với trang MarketWatch. "Có một cách mà Nga có thể dùng để trả đũa Mỹ là bơm mạnh dầu ra thị trường để khiến các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ khốn đốn".
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, khi được hỏi liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có phải là một "kẻ sát nhân", Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời: "Tôi nghĩ là như vậy". Vào hôm thứ Tư, Moscow tuyên bố triệu hồi đại sứ Nga tại Washington để tham vấn.
Đóng cửa phiên ngày thứ Năm, giá dầu WTI giao tháng 4 tại thị trường New York sụt 4,6 USD/thùng, tương đương giảm 7,1%, còn 60 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của dầu WTI kể từ ngày 8/9, theo dữ liệu từ Dow Jones Market Data.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 4 mất 4,72 USD/thùng, tương đương giảm 6,9%, còn 63,28 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của dầu Brent kể từ tháng 6 năm ngoái.
Tính đến phiên này, cả dầu WTI và dầu Brent đều đã giảm 5 phiên liên tiếp, với tổng mức giảm của mỗi loại đều trên 6%, và về mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 2/3.
Gần đây, giá "vàng đen" chịu sức ép không nhỏ từ sự gia tăng lượng dầu tồn kho của Mỹ. Hôm thứ Tư, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 12/3. Đây là tuần thứ tư liên tiếp chứng kiến lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng.
"Tồn kho dầu thô đã tăng liền 4 tuần, một hệ quả của việc đợt lạnh kỷ lục hồi tháng 2 khiến các nhà máy lọc ở Texas dầu ngưng trệ hoạt động", nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy nhận xét. "Lượng dầu tồn kho phải mất một thời gian mới giảm xuống được, nhưng có vẻ Mỹ đang đi đúng hướng trong chiến dịch tiêm chủng và việc dỡ hạn chế ở nhiều tiểu bang sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu".
Trái lại, chiến dịch tiêm chủng gặp trở ngại ở châu Âu đang là một yếu tố gây sức ép giảm lên giá dầu, theo các nhà phân tích. Gần đây, một loạt nước châu Âu gồm Pháp và Đức tạm ngừng tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca vì lo ngại tác dụng phụ. Theo tin mới nhất các nước này đã quyết định nối lại việc tiêm vaccine AstraZeneca. Tuy vậy, trục trặc xảy ra đã khiến giới đầu tư lo ngại về tốc độ hồi phục nhu cầu tiêu thụ dầu.
"Cho dù vaccine Covid-19 của AstraZenca có lấy lại được sự tin tưởng của công chúng, thì đó chưa chắc đã phải là vấn đề cuối cùng của chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, giữa lúc các quốc gia chạy đua tiêm phòng Covid-19 cho nhiều người nhất có thể và các biến chủng mới của virus liên tục được phát hiện", bà Dickson nói.