September 26, 2023 | 09:08 GMT+7

Giá dầu neo cao đến hết năm 2023, kịch bản nào cho cổ phiếu dầu khí?

Thu Minh -

Giá dầu được kỳ vọng sẽ giữ ở mức cao từ đây đến cuối năm 2023 nhờ hành động cắt giảm sản lượng của OPEC+; vấn đề Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn làm hạn chế nguồn cung từ Nga; nhu cầu dự kiến sẽ tăng khi nền kinh tế thế giới phục hồi...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chứng khoán Yuanta vừa có báo cáo cập nhật triển vọng nhóm dầu khí với điểm nhấn giá dầu có xu hướng tăng trở lại gần đây do các động thái cắt giảm nguồn cung.

GIÁ DẦU NEO CAO ĐẾN HẾT NĂM 2023

Ngày 5/9, Arab Saudi cho biết họ gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm. Nga cũng tuyên bố giảm xuất khẩu 300.000 thùng dầu/ngày cho đến cuối năm. Sau giai đoạn tăng nóng 2021-2022 do Nga cắt nguồn cung qua đường ống đến châu Âu, giá khí hạ nhiệt quay trở lại mức bình thường do sản lượng điện khí giảm thay bởi các nguồn năng lượng khác (than, sinh học) và nguồn cung tăng lên từ Mỹ.

Cung – cầu dầu hiện vẫn đang thâm hụt 0,58 triệu thùng theo số liệu gần nhất (8/2023). Các khoảng thời gian cung – cầu thâm hụt, giá dầu hầu như đều có xu hướng tăng.

Tồn kho dầu ở cả khối OECD và Mỹ đều dự báo đi ngang đến 2024, mặc dù mức tổng tồn kho hiện tại của OECD và Mỹ - 2.5 tỷ thùng là cao hơn so với thời điểm 1/2022 nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn trước COVID => giá dầu khó giảm mạnh trở lại.

Dự báo về giá dầu trong thời gian tới,  EIA cho rằng giá dầu Brent được dự báo sẽ giao dịch trung bình quanh 93 USD/thùng trong quý 4 /2023 và có xu hướng giảm xuống mức bình quân 87 USD/thùng trong năm 2024. Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent được kỳ vọng sẽ giao dịch quanh mức 86 USD/thùng vào tháng 12/2023 và tăng lên mức 93 USD/thùng trong nửa đầu năm 2024.

World Bank dự báo giá dầu Brent sẽ giao dịch bình quân ở mức 84 USD/thùng trong năm 2023 và tăng nhẹ lên mức 86 USD/thùng trong năm 2024. Còn Yuanta kỳ vọng giá dầu sẽ giữ ở mức cao từ đây đến cuối năm 2023 nhờ hành động cắt giảm sản lượng của OPEC+; vấn đề Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn làm hạn chế nguồn cung từ Nga; nhu cầu dự kiến sẽ tăng khi nền kinh tế thế giới phục hồi.

Giá dầu neo cao đến hết năm 2023, kịch bản nào cho cổ phiếu dầu khí? - Ảnh 1

Luật Dầu khí sửa đổi (hiệu lực từ tháng 7/2023) tạo khung pháp lý rõ ràng hơn giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án dầu khí: Quy định các hình thức đấu thầu. Bổ sung các tiêu chí phân loại dự án dầu khí để hưởng ưu đãi. Bổ sung chính sách ưu đãi cụ thể cho các từng loại dự án dầu khí như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu dầu thô.

Về hợp đồng dầu khí: Tăng thời hạn hợp đồng dầu khí từ 25 năm lên 30 năm (đối với lô, mỏ, dự án dầu khí thông thường) và 35 năm (đối với các lô, mỏ, dự án ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư dầu khí), có sẵn mẫu hợp đồng dầu khí mới (phân chia sản phẩm PSC) sẽ quy định rõ chính sách ưu đãi áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí ngoài khơi.

Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng đã đồng bộ hóa với các luật khác gồm: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai để dễ áp dụng đối với các dự án trọng điểm theo tính chất chuỗi từ thượng, trung và hạ nguồn.

Luật đã phân định rất rõ thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề quan trọng, còn lại xác định rõ thẩm quyền ở từng khâu, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, trách nhiệm quản lý nhà nước và nhà thầu của PVN. Luật phân cấp cho HĐTV PVN quản lý, phê duyệt vốn đầu tư của PVN/PVEP trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Bổ sung, làm rõ các quy định đổi với doanh nghiệp nhà nước PVN và các công ty con.

ĐỊNH GIÁ CỔ PHIẾU ĐANG HẤP DẪN

Cập nhật một số dự án quan trọng cho thấy, tổng mức đầu tư Sư Tử Trắng giai đoạn 2B khoảng 1,1 tỷ USD (trong đó PVEP chiếm 50%). Dự kiến án sẽ được triển khai EPCI (thiết kế, mua sắm, chế tạo, lắp đặt, đấu nối và chạy thử) vào cuối năm 2023 để kịp đón dòng khí về bờ vào đầu năm 2026.

Giai đoạn 2A đã triển khai, thời gian khai thác dự kiến là đến 9/2025 (gần hết) + Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) của liên doanh Điều hành chung Cửu Long JOC cho các cụm mỏ Sư Tử hiện hữu sẽ hết hạn vào tháng 11/2023  gây ảnh hưởng đến tiến độ đàm phán hợp đồng triển khai giai đoạn 2B.

Luật Dầu khí (sửa đổi) mới (hiệu lực từ tháng 7/2023) sẽ tạo cơ sở giúp việc thương lượng gia hạn các hợp đồng, cấu trúc lại thương vụ để xúc tiến giai đoạn 2B kịp thời triển khai EPCI (thiết kế, mua sắm, chế tạo, lắp đặt, đấu nối và chạy thử) vào cuối năm 2023.

Lô B - Ô Môn là dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí, là chuỗi dự án phát triển, khai thác và vận chuyển khí từ các mỏ khí thượng nguồn tại Lô B&48/95 và Lô 52/97 đến các nhà máy nhiệt điện khí. Các hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) ở khâu thượng nguồn cần được gia hạn trong 2023, với thời gian tới năm 2049, để đảm bảo thời gian khai thác là 23 năm kể từ 2026. Cơ chế giá bán khí cho các nhà máy điện của EVN do EVN.

Chính phủ đã chỉ đạo bàn giao 2 nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 và 4 từ EVN về PVN kỳ vọng giải quyết cơ chế giá bán khí. Yuanta kỳ vọng FID của dự án sẽ được công bố trong nửa cuối của năm 2023 hoặc chậm nhất là vào đầu năm 2024.

Giá dầu neo cao đến hết năm 2023, kịch bản nào cho cổ phiếu dầu khí? - Ảnh 2

Doanh thu các doanh nghiệp phân phối xăng dầu và khí đốt giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái trong Q2/2023 do nhu cầu giảm. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh hơn 42% do biên lãi gộp giảm cũng như các loại chi phí tăng

Biên lợi nhuận gộp Q2/2023 giảm xuống 13,7% (- 50bps YoY) do giá bán giảm và chi phí tăng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng chỉ giảm nhẹ do đặc tính các doanh nghiệp phân phối khí là vay nợ thấp nên ít bị ảnh hưởng bởi chi phí lãi vay.

Ngành phân phối xăng dầu và khí đốt hiện đang có P/E 16,6x lần, khá thấp so với trung bình 3 năm và P/E giai đoạn 2021-2022. Theo đó, khi kết quả kinh doanh hồi phục, nhóm ngành này sẽ có cơ hội tăng giá trở lại. Tương tự với P/B hiện tại 2,9x lần, khá thấp so với trung bình 3 năm và chỉ cao hơn thời gian COVID xuất hiện.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate