Trong vòng 1 năm trở lại đây, các nước tiêu thụ nhiều dầu trên thế giới ngày càng lo lắng về sự “trỗi dậy” của giá dầu: đầu tiên là 50 USD/thùng, rồi đến 75 USD/thùng và giờ là hơn 85 USD/thùng. Khi Tổng thống Vladimir Putin của Nga, quốc gia thành viên liên minh OPEC+, nói rằng giá dầu có thể sớm đạt mức 100 USD/thùng, nỗi lo sợ đã bị đẩy lên một ngưỡng mới.
Khi lạm phát tăng tốc buộc một số ngân hàng trung ương phải tiến tới tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và một số quốc gia tiêu thụ dầu khác đang triển khai nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây đối với OPEC+, hãng tin Bloomberg cho hay.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số quốc gia sản xuất dầu ngoài khối gồm Nga. Liên minh này chiếm gần 2/3 sản lượng khai thác dầu toàn cầu.
CHIẾN DỊCH VẬN ĐỘNG KÍN VÀ CÔNG KHAI
Giới thạo tin tiết lộ với Bloomberg rằng, phía sau những cánh cửa đóng kín, một chiến dịch căng thẳng đang được triển khai nhằm thuyết phục OPEC+ đẩy nhanh việc nâng sản lượng. Cuộc họp sản lượng tiếp theo của liên minh này sẽ được tổ chức trực tuyến vào ngày 4/11. Hiện tại, OPEC+ đang nâng sản lượng với tốc độ 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, nhưng mức tăng này chưa đủ để giải toả “cơn khát” dầu của một nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Những nỗ lực kín đáo nói trên diễn ra song song cùng với những lời kêu gọi công khai trong thời gian gần đây. Tại Mỹ - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, chính quyền Tổng thống Joe Biden lo lắng khi chứng kiến giá xăng tăng lên mức cao nhất 7 năm và đã liên tục kêu gọi OPEC+ bơm thêm dầu trong những tuần gần đây.
Nhật Bản, nước tiêu thụ dầu lớn thứ tư thế giới, đã có một động thái rất hiếm có của quốc gia này là lên tiếng kêu gọi OPEC+ nâng sản lượng hồi cuối tháng 10. Từ năm 2008 tới nay, Tokyo chưa khi nào đưa ra một lời kêu gọi như vậy.
Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, cũng đã đề nghị OPEC+ đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác “vàng đen”.
Về phần mình, Trung Quốc thì chưa đưa ra lời kêu gọi công khai nào, nhưng cũng mạnh mẽ không kém so với các quốc gia khác trong những nỗ lực kín nhằm thuyết phục OPEC+, giới thạo tin cho hay.
“Chúng ta đột nhiên rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng”, ông Amos Hochstein, một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về vấn đề năng lượng, nói hồi tuần trước, phản ánh quan điểm chung của các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. “Các nước sản xuất dầu nên đảm bảo rằng thị trường dầu thô và khí đốt được cân bằng cung-cầu”.
Giới chức Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã có những cuộc thảo luận kín với nhau và bắt đầu tiếp cận với các nước tiêu thụ và sản xuất dầu lớn khác nhằm đẩy mạnh “chiến dịch”. Nỗ lực này băt đầu từ cách đây 3 tuần và được đẩy mạnh trong những ngày gần đây sau khi giá dầu vượt mốc 85 USD/thùng.
Chính phủ Nhật Bản “hiện đang đề nghị các nước sản xuất dầu ở Trung Đông tăng sản lượng”, ông Tsutomo Sugimori, Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Nhật Bản (PAJ), nói với Bloomberg. “Ngành dầu khí Nhật Bản hy vọng rằng các nước sản xuất dầu, bao gồm OPEC, sẽ có những bước đi phù hợp để không gây trở ngại cho sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế thế giới”.
OPEC+: THẾ GIỚI ĐÂU CÓ THIẾU DẦU
Cho đến thời điểm hiện tại, Saudi Arabia và các quốc gia khác trong OPEC+ từ chối tăng sản lượng nhanh hơn, cho rằng mức tăng 400.000 thùng/tháng là đủ để thoả mãn nhu cầu dầu của nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch.
Đối với nhiều quan chức OPEC+, liên minh này đang bị coi như một “kẻ giơ đầu chịu báng” vì một cuộc khủng hoảng mà họ hoàn toàn không tạo ra.
“Nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa vượt qua được hết các thách thức”, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói với Bloomberg trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây. “Chúng tôi cần phải cẩn trọng. Cuộc khủng hoảng đã được kiểm soát nhưng chưa thực sự kết thúc”.
Phát biểu này của ông Abdulaziz cũng giống như quan điểm của các nước khác trong OPEC+, dù trong các cuộc thảo luận kín hay tuyên bố công khai. Chẳng hạn, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Azerbaijan, ông Parviz Shahbazov, nói rằng chưa cần phải đẩy nhanh việc tăng sản lượng. “Chúng tôi đã nhất trí được một chương trình rất thông minh cho những tháng sắp tới”, ông nói.
Nếu muốn giữ nguyên mức tăng sản lượng dầu 400.000 thùng/ngày, Saudi Arabia có thể đạt mục đích. Đối với nhiều quan chức OPEC+, liên minh này đang bị coi như một “kẻ giơ đầu chịu báng” vì một cuộc khủng hoảng mà họ hoàn toàn không tạo ra. Họ lập luận rằng vấn đề không nằm ở dầu mà nằm ở việc giá khí đốt tự nhiên và giá than tăng vọt, dẫn tới tăng giá điện. Cho dù OPEC+ có tăng sản lượng nhanh hơn, thì cũng không giải quyết được tình trạng thiếu khí đốt và than – họ nhấn mạnh.
Một số thành viên OPEC+ sẵn sàng tăng sản lượng nhiều hơn, nhưng chỉ khi Saudi Arabia cũng có chủ trương như vậy, theo nguồn thạo tin.
Trong phần lớn thời gian của năm nay, các nước tiêu thụ dầu đều cho rằng OPEC+ đã làm đủ trong vấn đề sản lượng. Nhưng sau khi giá dầu tăng từ 70 USD/thùng lên hơn 85 USD/thùng, quan điểm đã thay đổi. Giờ đây, giới chức các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu đều tin rằng thị trường dầu lửa toàn cầu đang thiếu cung.
Nhiều nước tiêu thụ dầu ngại công khai kêu gọi OPEC+ nâng sản lượng dầu, vì hội nghị COP26 của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu chuẩn bị diễn ra ở Glasgow, Scotland. Tuy nhiên, sự ngần ngại này đã bắt đầu giảm đi. Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, giải thích rằng Washington có thể chống biến đổi khí hậu nhưng cũng cần đảm bảo đủ năng lượng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần.
“Quan điểm của chúng tôi là sự phục hồi kinh tế toàn cầu không nên bị cản trở bởi tình trạng chênh lệch giữa nguồn cung và nhu cầu”, ông Sullivan phát biểu vào tuần trước. “Cần phải có hành động”, ông nói và cho biết các nhà ngoại giao Mỹ đang giữ liên lạc chặt chẽ với “các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước châu Âu”.
Tổng thống Biden “sẽ thảo luận vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh G20” ở Rome – ông Sullivan cho hay. “Chúng ta hãy chờ xem các cuộc thảo luận đó có kết quả thế nào”.