March 14, 2022 | 15:47 GMT+7

Giá dầu rớt thảm, loạt cổ phiếu hàng hóa cơ bản bị bán tháo

Kim Phong -

Cơn lốc bán tháo thực tế diễn ra ở khắp thị trường, với số lượng cổ phiếu giảm giá trên hai sàn niêm yết nhiều gấp 3 lần số tăng. Tuy vậy các cổ phiếu hàng hóa rơi “thảm” nhất, khi lợi nhuận quá tốt trở thành “con dao 2 lưỡi”...

VN-Index đang tìm về đáy ngắn hạn đầu năm.
VN-Index đang tìm về đáy ngắn hạn đầu năm.

Cơn lốc bán tháo thực tế diễn ra ở khắp thị trường, với số lượng cổ phiếu giảm giá trên hai sàn niêm yết nhiều gấp 3 lần số tăng. Tuy vậy các cổ phiếu hàng hóa rơi “thảm” nhất, khi lợi nhuận quá tốt trở thành “con dao 2 lưỡi”.

Giá dầu sụt giảm mạnh trong phiên châu Á với cả dầu WTI lẫn dầu Brent đều rơi trên 3%. Cổ phiếu dầu khí sụt giảm là đương nhiên, các nhóm còn lại như than, phân bón, thép... cũng sụt giảm cực lớn.

Loạt cổ phiếu phân bón, hóa chất giảm sàn là LAS, PMB, DCM, CSV, SFG, BFC, DPM. Các mã giảm trên 4% là PSW, PCE, PSE, NFC, VAF, DGC... Nhóm than chỉ có TDN giảm sàn, nhưng cũng có KSV giảm 8,41%, CST giảm 7,46%, TVD giảm 6,57%, TC6 giảm 5,73%...

Cổ phiếu dầu khí dĩ nhiên cũng rơi rất sâu và nhóm này lọt vào số những mã đánh tụt chỉ số nhiều nhất. GAS giảm 6,11% lập kỷ lục về mức lỗ T+3 tới -13,26%. PLX giảm 3,62%, lỗ T+3 cũng tới -11,27%. Nhóm PTV, PVC, PSH giảm sàn...

Nhóm thép đóng góp HPG rớt 3,78%, chỉ đứng sau GAS trong số các mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất.

Khá bất ngờ là ngân hàng lại chỉ có BID giảm 1,31% là đáng kể. Trong 27 mã ngân hàng ở các sàn, cũng có 10 mã giảm trên 1% nhưng blue-chips thì ngoài BID, chỉ thêm VPB giảm 1,1% và CTG giảm 1,09%. Lần đầu tiên trong một phiên VN-Index bốc hơi hơn 20 điểm nhưng cổ phiếu ngân hàng không chiếm áp đảo, chỉ có 2/10 mã.

HoSE vẫn có 114 cổ phiếu đóng cửa trên tham chiếu cuối phiên hôm nay, trong đó 45 mã tăng hơn 2%. Tuy vậy chưa tới một nửa (19 mã) số cổ phiếu ở nhóm tăng này đạt thanh khoản trên 10 tỷ đồng. Có thể kể ra vài cái tên như KHG, ORS, HDC, VJC, BCG, IDI, PC1 là giao dịch khá sôi động.

Tuy vậy số giảm giá vẫn quá nhiều hôm nay, khoảng 350 mã, với 166 mã giảm trên 2%. Tính về mức phân bổ vốn, giao dịch ở nhóm cổ phiếu tăng giá chỉ chiếm 23,4% tổng giá trị khớp sàn HoSE, trong khi giao dịch ở nhóm giảm giá chiếm 74,4%. Trong Top 5 cổ phiếu giao dịch lớn nhất thị trường thì tất cả đều giảm và không mã nào giảm dưới 4%, với DCM và DPM giảm sàn.

Cổ phiếu hàng hóa tiếp tục bị bán mạnh, thậm chí là bán tháo do lo ngại giá hàng hóa thế giới đã đạt đỉnh. Bên cạnh đó còn là nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận khi nhiều mã tăng quá nhanh trong ngắn hạn. Cổ phiếu phân bón như DCM và DPM là ví dụ tiêu biểu, đến phiên cuối tuần trước còn tăng rất tốt, nhưng hôm nay đồng loạt bị xả mạnh.

Cổ phiếu khai khoáng hôm nay sụt giảm mạnh.
Cổ phiếu khai khoáng hôm nay sụt giảm mạnh.

Làn sóng bán tháo khiến thanh khoản hôm nay khá cao. Hai sàn niêm yết vẫn khớp thành công 29.099 tỷ đồng, chỉ giảm 5,8% so với phiên trước. Cổ phiếu ngân hàng có biểu hiện tăng thanh khoản, với các mã ở HoSE khớp tăng 27%, đạt 3.374 tỷ đồng. Tuy vậy mức giao dịch này ở nhóm ngân hàng vẫn là quá thấp khi ngay tuần đầu tháng 3 này vẫn giao dịch trung bình gần 5.200 tỷ đồng/ngày.

Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều tiếp tục duy trì sức ép bán ra khá lớn, với khoảng 1.150 tỷ đồng nữa. Tuy nhiên phía mua lại yếu hơn đáng kể, khiến tổng giá trị bán ròng HoSE cả ngày vọt lên 728,3 tỷ đồng từ mức 282 tỷ đồng thời điểm cuối phiên sáng. Các mã bị xả khủng nhất là MSN -153,5 tỷ, NVL -149,6 tỷ, DXG -127,9 tỷ và HPG -112,9 tỷ.

Sức ép lớn từ các tài khoản ngoại có ảnh hưởng đáng kể đến giá cổ phiếu. MSN là ví dụ, lượng bán của khối ngoại chiếm gần 73% thanh khoản và giá rớt 4,49%. MSN cũng giảm nhanh không kém các cổ phiếu hàng hóa khác khi T+3 đã bốc hơi 12,48% giá trị, giá rơi xuống đáy 5 tháng. Tính chung cổ phiếu blue-chips VN30 bị bán ròng 397,6 tỷ đồng và giá trị xả tại rổ này chiếm 15,5% tổng thanh khoản rổ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate