June 03, 2024 | 09:51 GMT+7

Giá dầu yếu khiến OPEC+ kéo dài cắt giảm sản lượng

Bình Minh -

OPEC+ hiện đang thực hiện giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương 5,7% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, thường gọi là liên minh OPEC+, nhất trí kéo dài việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu nhằm hỗ trợ giá dầu đang có chiều hướng suy yếu thời gian gần đây. Theo đó, kế hoạch giảm sản lượng chính thức của OPEC+ sẽ duy trì sang năm 2025, và một kế hoạch giảm sản lượng tự nguyện cũng kéo dài thêm.

Theo hãng tin CNBC, quyết định được đưa ra sau cuộc họp sản lượng vào ngày 2/6 của OPEC+ không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích. Giá dầu thế giới tăng nhẹ sau khi quyết định được công bố.

Lúc gần 9h sáng nay (3/6) theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,29 USD/thùng so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu, tương đương tăng 0,36%, giao dịch ở mức 81,16 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,32 USD/thùng, tương đương tăng 0,42%, đạt 77,31 USD/thùng.

Theo chính sách sản lượng chính thức của OPEC+, khối này sẽ khai thác tổng cộng 39,725 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2025, ngang bằng với mức sản lượng chính thức của năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc khối giữ nguyên kế hoạch sản lượng cắt giảm chính thức đã công bố vào năm 2022 và 2023, với tổng lượng cắt giảm là 3,66 triệu thùng/ngày.

Ngoài ra, một nhóm gồm 8 trong OPEC+, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga, tuyên bố sẽ gia hạn kế hoạch giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày - dự kiến kết thúc vào cuối quý 2 năm nay - cho tới cuối quý 3.

“Sau đó, lượng cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày sẽ được phục hồi dần trên cơ sở hàng tháng, đến cuối tháng 9/2025 sẽ không còn kế hoạch cắt giảm này”, tuyên bố của OPEC+ cho biết.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, OPEC+ hiện đang thực hiện giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương 5,7% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông dịu đi, giá dầu thế giới hiện đã giảm khoảng 10% sau khi đạt đỉnh 5 tháng vào đầu tháng 4.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Saudi Arabia cần giá dầu Brent ở mức khoảng 81 USD/thùng để cân bằng ngân sách chính phủ.

Giá dầu khó tăng một phần do sản lượng khai thác dầu của Mỹ đạt kỷ lục, một phần khác do mối lo về sự ảm đạm của nhu cầu tiêu thụ dầu ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - và các nền kinh tế lớn khác.

Trong báo cáo hàng tháng gần đây nhất, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 140.000-1,1 triệu thùng/ngày do nhu cầu yếu tại các nền kinh tế phát triển, nhất là châu Âu.

Dù vậy, IEA cho rằng sự thắt chặt nguồn cung dầu vẫn có thể xuất hiện. Định chế có trụ sở ở Paris, Pháp dự báo nguồn cung dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng thêm 580.000 thùng/ngày trong năm nay. Hồi tháng 3, IEA dự báo thế giới sẽ thiếu hụt nguồn cung dầu trong năm nay nếu OPEC+ duy trì việc cắt giảm sản lượng cho tới hết năm.

Khác với dự báo ảm đạm của IEA về nhu cầu dầu, báo cáo hàng tháng mới nhất của OPEC nhận định nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, người chủ trì OPEC+, ngày 2/6 nói rằng việc đưa ra các dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu không có gì là khó. Ông thừa nhận rằng OPEC có thể đang đánh giá cao hơn về nhu cầu dầu, nhưng mặt khác cũng có những tổ chức “bi quan quá mức”.

Quyết định duy trì các kế hoạch giảm sản lượng dầu của OPEC+ được đưa ra trong bối cảnh hãng dầu lửa quốc doanh khổng lồ Saudi Aramco của Saudi Arabia chào bán 13,1 tỷ USD cổ phiếu. Số tiền huy động được sẽ được sử dụng cho việc đa dạng hoá nền kinh tế Saudi Arabia.

Cuộc họp về chính sách sản lượng tiếp theo của OPEC+ sẽ được tiến hành vào ngày 1/12 năm nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate