“LOẠN” SẢN PHẨM GẠO ST25 TRÊN THỊ TRƯỜNG
Nhái bao bì, tem nhãn như bao bì gạo ST25 ông Cua là một chuyện, nhiều cửa hàng thậm chí còn đấu trộn hoặc sử dụng gạo có hình thức giống nhưng rẻ hơn, kém chất lượng hơn và quảng cáo đó là gạo ST25.
Khảo sát một vòng các đại lý hoặc tiệm tạp hóa bán lẻ có thể thấy, nguồn cung gạo ST25 luôn dồi dào và có nhiều lựa chọn cho khách hàng, từ ST25 được bán xá không bao bì nhãn mác, bán lẻ từng kg cho đến gạo của công ty được đóng túi và có thương hiệu rõ ràng… đều có đủ.
Theo người bán, gạo đóng túi của công ty có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, hàng ngoài loại bao 10 - 20kg thì giá thấp hơn, khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Tương tự, trên các sàn thương mại điện tử, vô số cửa hàng trực tuyến rao bán gạo ST25 với mức giá rất chênh lệch từ 20.000 - 50.000 đồng/kg.
Khi mua gạo ST25, nếu quan sát kỹ thấy các hạt gạo không đồng nhất về hình hạt, thời điểm mới mua có thể rất thơm nhưng nấu xong thì mùi thơm không còn, hạt cơm bị nát, độ dẻo cũng không có nhiều khác biệt so với các loại gạo thơm khác thì có khả năng đây là gạo đã bị đấu trộn hoặc không phải là gạo ST25.
Gạo bán tràn lan, thậm chí có nhiều nơi “niêm yết” giá bán thông qua các bảng mica cắm trong thùng gạo. Điểm bán nào cũng cam kết là “gạo ST25 thật, gạo chính hãng” trong khi nguồn gốc sản xuất, cam kết về các chỉ tiêu chất lượng… đều chỉ được chứng thực qua lời nói của người bán. Chính điều này đã khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận, gần như rất khó phân biệt thật - giả dù gạo là mặt hàng thiết yếu hằng ngày.
LÀM SAO ĐỂ CHỌN ĐƯỢC GẠO ST25 CHUẨN?
Thực tế hiện nay, bên cạnh thương hiệu gạo ST25 ông Cua đã được bảo hộ, nhiều doanh nghiệp cũng mua giống lúa ST25 xác nhận (là hạt giống được nhân lên từ giống nguyên chủng, đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo qui định) để tổ chức sản xuất hoặc thu mua lúa từ những cánh đồng trồng ST25. Sau đó phát triển thương hiệu riêng và đăng ký bảo hộ tương tự.
Đây thực chất vẫn đúng là gạo ST25, nhưng chất lượng có thể không giống nhau, phụ thuộc vào quy trình canh tác và kỹ thuật xử lý sau thu hoạch của doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Lương thực A An (thương hiệu gạo A An) ra mắt sản phẩm gạo A An ST25 từ năm 2021 và là một trong những thương hiệu gạo được tin dùng rộng rãi trên thị trường. A An liên kết với các hợp tác xã, nông dân để thu mua lúa ST25 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tuân thủ nghiêm ngặt trong kiểm soát các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ khi thu mua đến sản xuất và đóng gói. Quá trình chế biến và sản xuất được thực hiện đồng bộ trên hệ thống dây chuyền châu Âu tại hệ thống 5 nhà máy gạo lớn tại đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhà máy gạo lớn nhất châu Á.
“Gạo đóng túi theo quy cách chuẩn luôn có đầy đủ thông tin về doanh nghiệp sản xuất, nơi sản xuất, bảng thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng và cam kết an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng”, đại diện Gạo A An chia sẻ.
Bên cạnh ST25, gạo A An cũng phát triển sản phẩm gạo ST25 Lúa Tôm. Lúa Tôm là mô hình trồng lúa trên nền đất nuôi tôm nên hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nào trong quá trình trồng lúa.
Năm 2022, Gạo A An ST25 cũng là thương hiệu gạo Việt Nam đầu tiên xuất khẩu thành công vào Nhật Bản sau khi vượt qua hơn 600 tiêu chí kiểm định khắt khe.