Biểu đồ thông tin dưới đây thể hiện sự thay đổi giá nhà ở tại 57 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn từ năm 2010 đến quý 2/2022, sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Theo đó, trong 12 năm, 80% trong số 57 quốc gia và vùng lãnh thổ này chứng kiến giá nhà tăng lên. Tốc độ tăng giá nhà danh nghĩa toàn cầu trong giai đoạn trên là 77%, trong khi tốc độ tăng tại các nền kinh tế phát triển, mới nổi và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lần lượt là 84%, 92% và 45%.
Tốc độ tăng giá nhà thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) toàn cầu là 27%, còn các nền kinh tế phát triển, mới nổi và Eurozone lần lượt là 39%, 18% và là 16%.
Xét theo quốc gia và vùng lãnh thổ, top 10 nơi chứng kiến giá nhà thực tế tăng mạnh nhất trong giai đoạn trên là Iceland (103%), Estonia (97%), New Zealand (97%), Chile (95%), Thổ Nhĩ Kỳ (91%), Canada (90%), Luxembourg (85%), Hungary (84%), Hồng Kông (83%) và Israel (80%). Trong nhóm này chủ yếu là các nền kinh tế phát triển, trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Chile - hai nền kinh tế mới nổi.
Nhiều nền kinh tế mới nổi khác cũng ghi nhận giá nhà thực tế tăng mạnh như Ấn Độ và Malaysia (59%). Philippines (50%) và Campuchia (40%) cũng chứng kiến giá nhà thực tế tăng nhanh hơn so với mức bình quân toàn cầu.
Tuy nhiên, một số quốc gia có mức tăng giá nhà thực tế thấp hơn 20%, gồm Pháp, Bỉ, Croatia ở châu Âu, Trung Quốc, Singapore ở châu Á.
Thậm chí một số nơi đi ngược xu hướng này khi giá nhà không tăng hoặc giảm, như Nga (-33%), Hy Lạp (26%), Italy (24%), Romania (-20%), Tây Ban Nha (-15%), Indonesia (0%)... Nga, Hy Lạp và Italy có giá nhà giảm mạnh nhất thế giới trong 12 năm.