Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 do Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) tổ chức tại Hà Nội ngày 28/6, lãnh đạo Vietnam Airlines lạc quan chia sẻ, thị trường hàng không nội địa đang phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. 5 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường khách nội địa 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,6% so sánh cùng kỳ năm 2019. Đối với Vietnam Airlines, khách nội địa vượt 7,7% so 2019.
Thị trường quốc tế cũng đang từng bước phục hồi. Tổng số đường bay quốc tế Vietnam Airlines đang khai thác đạt 35 đường bay, bằng 53% so 2019. Việc dần phục hồi khai thác các đường bay quốc tế là cơ hội để Vietnam Airlines nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng doanh thu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, giảm lỗ và tiến tới có lãi trở lại trong các năm tới.
THUA LỖ DAI DẲNG VÌ "CÚ SỐC" COVID
Nhìn lại những thiệt hại nặng nề khó đong đếm được do tác động tiêu cực từ đại dịch, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines thừa nhận, đại dịch Covid-19 là cú sốc lớn nhất để lại những hậu quả lâu dài nhất cho ngành hàng không.
Các hãng hàng không Việt hầu như chỉ có thể khai thác được 60 - 70% công suất đội tàu bay. Dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào hai mùa cao điểm quan trọng, đó là dịp Tết và cao điểm hè, đặc biệt đợt bùng phát thứ 4 được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch xảy ra.
Thời điểm đó, thị trường vận tải nội địa gần như “đóng băng” suốt nhiều tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và các công ty có vốn góp của Tổng công ty.
Trước tình thế nguy cấp, Vietnam Airlines thực hiện hàng loạt giải pháp trong quản lý, điều hành, tận dụng mọi cơ hội để vượt qua giai đoạn khó khăn; đồng thời, tổ chức lại sản xuất; điều hành linh hoạt nguồn lực và chính sách nhân sự.
Mặt khác, Tổng công ty tích cực tìm kiếm doanh thu thông qua đẩy mạnh bay hàng hóa, vận chuyển khách hồi hương và chuyên gia khi dịch bệnh bùng phát, mở rộng thu các hoạt động phụ trợ, tiết giảm tối đa chi phí.
Ngoài ra, tích cực đàm phán với các đối tác để giảm giá cũng như chủ động giãn, hoãn các khoản công nợ, cải thiện tình trạng thâm hụt vốn lưu động; đảm bảo duy trì dòng tiền và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh các giải pháp tự thân, nhờ sự hỗ trợ rất tích cực và chỉ đạo trực tiếp từ cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước, Vietnam Airlines được Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm bớt gánh nặng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và áp lực dòng tiền trong năm 2021 thông qua gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, gồm phát hành tăng vốn chủ sở hữu và khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng; chính sách giãn khấu hao phân bổ chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, giảm thuế, phí.
Vượt qua khó khăn muôn trùng của đại dịch, Vietnam Airlines vận chuyển được 6,13 triệu lượt khách, tuy nhiên, vẫn suy giảm 56,6% so với năm 2020.
Kết quả năm 2021, nhìn về góc độ tích cực, công ty mẹ giảm lỗ 1.062 tỷ đồng, hợp nhất giảm lỗ 1.280 tý đồng so với kế hoạch báo cáo Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.
Dù vậy, quy mô sản xuất kinh doanh của Tổng công ty tiếp tục thu hẹp khiến kết quả sản xuất kinh doanh rơi vào tình trạng thua lỗ nặng, tăng lỗ so với cùng kỳ năm trước.
Tính hết năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu 27.911 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2020 và ngang bằng mức doanh thu của năm 2007. Trong đó, doanh thu nội địa giảm 57,1%; doanh thu quốc tế giảm 90,3%; doanh thu thuê chuyến giảm 15,3%. Kết thúc năm 2021, Vietnam Airlines chứng kiến khoản lỗ gần 13.279 tỷ đồng, tăng gần 19% so với năm 2020.
Tuy nhiên, sau những động thái mở cửa mạnh mẽ, từ quý 1/2022, tình hình sản xuất kinh doanh Vietnam Airlines chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Quý 1/2022, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hơn 11.620 tỷ đồng, tăng gần 55,8% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức doanh thu cao nhất kể từ quý 2/2020, thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lỗ ròng gần 2.613 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu tiếp tục đổi chiều, âm hơn 2.160 tỷ đồng.
Nếu kết thúc năm 2022, lợi nhuận Vietnam Airlines không chuyển dương hay duy trì trạng thái âm vốn chủ sở hữu thì nỗi lo "án treo" hủy niêm yết bắt buộc vẫn hiện hữu.
Chia sẻ những lo ngại của cổ đông về việc Vietnam Airlines tiếp tục chìm sâu vào thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines khẳng định, Vietnam Airlines nhận thức được nguy cơ này. Tuy nhiên, "di chứng, hậu quả hơn hai năm Covid-19 nặng nề khiến lỗ luỹ kế Tổng công ty xấp xỉ 1 tỷ USD, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền, suy giảm sức khoẻ tài chính cực kỳ lớn", ông Hiền thừa nhận.
"Nhờ sự phục hồi nhanh của thị trường, dòng tiền Vietnam Airlines, cải thiện nhanh, mạnh mẽ. Dòng tiền bình quân ngày phục hồi 80% nhờ "cứu cánh" thị trường nội địa dù thị trường quốc tế mới phục hồi 20%.
Cùng với đó, Vietnam Airlines đạt thoả thuận tích cực từ giãn hoãn của chủ nợ, đối tác. Do đó, năm nay, dòng tiền được đảm bảo, duy trì sự hoạt động bình thường của Vietnam Airlines".
Để khắc phục vấn đề trên và duy trì sự hiện diện trên sàn chứng khoán HOSE, ông Hiền cho biết, Vietnam Airlines xây dựng hai đề án lớn, gồm cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 đã trình cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, Vietnam Airlines đặt mục tiêu gia tăng thu nhập, tăng vốn để thoát lỗ luỹ kế 3 năm liên tiếp và thoát tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
NỖ LỰC THOÁI VỐN CÔNG TY CON, ĐẨY NHANH THOÁT NỢ
Đáng chú ý, thông tin tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Đặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines thông tin về tiến trình tái cơ cấu tổng thể Tổng công ty và cập nhật quá trình thoái vốn công ty con, công ty liên kết.
Thứ nhất, về kế hoạch thoái vốn tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6, Campuchia), ông Hoà cho biết, quý 1/2022 cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Kết quả kinh doanh năm 2021 của K6 lỗ 17,7 triệu USD. Vì vậy, sau 11 năm đầu tư nắm 49% cổ phần tại hãng hàng không của Campuchia, Vietnam Airlines tiến hành thoái 35% vốn (tương ứng 35 triệu USD).
Báo cáo tài chính năm 2021 của Vietnam Airlines cũng ghi nhận khoản lãi từ chuyển nhượng 35% vốn góp tại Cambodia Angkor Air là 177 tỷ đồng.
Hiện tình hình tài chính của Pacific Airlines rất nghiêm trọng, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách với doanh nghiệp nhà nước. Vietnam Airlines đang tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý.
Tổng công ty rất nỗ lực trong việc triển khai các thủ tục thoái vốn K6. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một số yếu tố khách quan, ảnh hưởng đến việc thực hiện các điều khoản cũng như tiến độ của hợp đồng chuyển nhượng.
Thứ hai, về việc tái cơ cấu Pacific Airlines, thực hiện chủ trương được cơ quan nhà nước phê duyệt, Vietnam Airlines chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp duy trì hoạt động trong thời gian tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines.
Trong giai đoạn này, Pacific Airlines tiếp tục tổ chức hoạt động khai thác tối thiểu, tinh giản bộ máy, tận dụng nguồn lực chung với Vietnam Airlines Group để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, khả năng phối hợp sản phẩm với Vietnam Airlines.
7 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Sau hai năm trải qua tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có kế từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, năm 2022 được dự báo có nhiều khởi sắc hơn đối với ngành hàng không.
Việc nối lại các đường bay nội địa và quốc tế thường lệ trong năm 2022 đến các nước không chỉ giúp ngành hàng không duy trì hoạt động vận chuyển hành khách, góp phần tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines mà còn thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Năm 2022, Vietnam Airlines đặt mục tiêu vận chuyển 17 triệu khách, gấp gần 2,8 lần so với năm 2021, đưa doanh thu công ty mẹ lên 45.252 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 và giảm lỗ ròng 23,5% ở mức lỗ 9.335 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho hay, hiện tại giá dầu thế giới vẫn diễn biến khó lường gây nặng gánh chi phí. Nếu giá nhiên liệu duy trì ổn định như những năm trước, Vietnam Airlines có thể chỉ còn lỗ 2.000-3.000 tỷ đồng, thay vì mục tiêu lỗ ròng như kế hoạch đặt ra.
Theo đó, Vietnam Airlines đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.
Thứ nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong khai thác, bảo dưỡng cũng như đảm bảo an toàn bay cho khách hàng.
Thứ hai, thực hiện tái cơ cấu toàn diện, chuẩn bị lực lượng và nguồn lực tết nhất có thể để đón bắt cơ hội phục hồi và phát triển. Tổ chức lại mô hình sản xuất kinh doanh đảm bảo khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và kinh doanh có hiệu quả.
Thứ ba, xây dựng các chiến lược kinh doanh hiệu quả để tăng cường nguồn thu: tăng cường vận tải hành khách, đẩy mạnh vận tải hàng hóa.
Thứ tư, triển khai đề án tái cơ cấu Tổng công ty sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua. Năm 2022, tập trung vào các nội dung: tái cơ cấu danh mục đầu tư, trong đó tập trung hoàn thành việc tái cơ cấu Pacific Airlines, tái cơ cấu đội bay, tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp.
Thứ năm, nâng cao chất lượng dịch vụ: Tiếp tục triển khai chiến địch “nâng tầm dịch vụ” với việc triển khai các dịch vụ mới và nâng cao trải nghiệm bay thú vị cho hành khách, tiến tới mục tiêu đạt tiêu chuẩn 5 sao về chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ sáu, về chuyển đổi số: Chú trọng việc nâng cao khả năng cho nhân viên, cải thiện kỹ năng công nghệ thông tin và tạo ra một văn hóa số trong Tổng công t. Tương lai của Vietnam Airlines sẽ có quy trình hiệu quả, liền mạch và công nghệ cao.
Thứ bảy, Vietnam Airlines chú trọng phát triển đội ngũ lao động, thực hiện chính sách nhân lực nhằm phát triển, thu hút và giữ nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong năm 2022, Hội đồng quản trị sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện thành công các mục tiêu định hướng trên đây để Vietnam Airlines nhanh chóng hồi phục, phát triển mạnh mẽ, giữ vững vị thế chủ đạo hãng hàng không quốc gia .