March 30, 2023 | 15:45 GMT+7

Giá suy yếu, vốn ngoại bán ròng đột biến

Kim Phong -

Dù chốt ngày các chỉ số vẫn tăng, nhưng mặt bằng giá cổ phiếu chiều nay đã hạ thấp thấy rõ. Thanh khoản phiên chiều cũng yếu đi còn khối ngoại xả ròng lớn sang phiên thứ 2 liên tục. Chỉ còn nốt phiên ngày mai là kết thúc quý 1/2023...

VN-Index hạ xuống mặt bằng thấp hơn hẳn buổi sáng.
VN-Index hạ xuống mặt bằng thấp hơn hẳn buổi sáng.

Dù chốt ngày các chỉ số vẫn tăng, nhưng mặt bằng giá cổ phiếu chiều nay đã hạ thấp thấy rõ. Thanh khoản phiên chiều cũng yếu đi còn khối ngoại xả ròng lớn sang phiên thứ 2 liên tục. Chỉ còn nốt phiên ngày mai là kết thúc quý 1/2023...

VN-Index kết phiên tăng nhẹ 0,29% tương đương 3,11 điểm trên tham chiếu. Mức tăng này yếu hơn phiên sáng (+0,65%) và độ rộng cũng kém hơn. Thanh khoản hai sàn chiều nay giảm 5% so với buổi sáng.

Độ rộng sàn HoSE cuối phiên ghi nhận 190 mã tăng/176 mã giảm. Tương quan này vẫn là khá tốt, nhưng mặt bằng giá cũng đã suy yếu. Độ rộng thời điểm chốt phiên sáng là 230 mã tăng/100 mã giảm, trong đó 40 mã giảm trên 1% thì chiều nay đã tăng gấp đôi lên 80 mã. Ngay trong rổ VN30 cũng có 19/30 cổ phiếu hạ độ cao, chỉ 8 mã có cải thiện so với buổi sáng.

Nhìn chung chiều nay áp lực bán có mạnh lên và ép dần giá xuống, dù chưa đến mức tạo hiện tượng đảo chiều bền vững. Thời điểm duy nhất là độ rộng đảo chiều là khoảng10 phút trước 2h, tương quan hẹp nhất là 164 mã tăng/183 mã giảm.

Áp lực bán có thể thấy khá rõ trong nhóm cổ phiếu thanh khoản cao. HoSE đóng cửa với 24 mã giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên – nhóm này chiếm 63% tổng giá trị khớp sàn này – thì chỉ có 6 mã tăng giá là STB, NVL, VRE, DXG, VIB và HDB, còn lại 15 mã khác giảm giá.

STB vẫn là cổ phiếu đáng chú ý nhất buổi chiều khi góp phần rất lớn vào việc tạo thanh khoản. Cổ phiếu này giao dịch thêm khoảng 537 tỷ đồng nữa, nâng thanh khoản cả ngày lên gần 1.018,7 tỷ đồng. Giá STB cũng tăng thêm 1,17% nữa, đóng cửa chung cuộc tăng 2,56%.

Khối ngoại chỉ bán thêm hơn 700.000 STB buổi chiều và giá trị ròng không đáng kể. Do đó thanh khoản lớn này là do nhà đầu tư trong nước thực hiện. Tính chung cả ngày, STB hôm nay chiếm gần 11% toàn sàn HoSE. Xét theo giá trị tuyệt đối, HoSE tăng khoảng 2.351 tỷ đồng thanh khoản hôm nay so với phiên trước, trong đó STB tăng gần 593 tỷ đồng, tương đương đóng góp 25%.

Nhóm thanh khoản lớn nhất sàn HoSE hôm nay phần lớn là giảm giá.
Nhóm thanh khoản lớn nhất sàn HoSE hôm nay phần lớn là giảm giá.

Thanh khoản tăng cao hôm nay trừ STB chỉ tạo hiệu ứng giá tăng ở vài mã khác như VRE, NVL. VRE cũng có phiên thanh khoản cao nhất kể từ đầu năm với 216 tỷ đồng và 7,15 triệu cổ phiếu. VRE đóng cửa tăng 2,22% nhưng có lẽ vẫn xuất hiện một phiên xả hàng mạnh. Lúc 10h50 sáng VRE đạt đỉnh tăng kịch trần 6,84%. Điều đó có nghĩa là phần lớn thời gian còn lại VRE lao dốc.

VN30 đóng cửa tăng 0,55%, cũng là tụt nhẹ so với buổi sáng (+0,81%). Độ rộng còn tốt nhờ 17 mã tăng/8 mã giảm, nhưng như mới nói ở trên, đa số cổ phiếu đã trượt giảm xuống mặt bằng giá thấp hơn trong chiều nay. Dù vậy nhóm này vẫn đóng vai trò giữ nhịp chỉ số, với VHM tăng 3,23%, VCB tăng 0,43%, HDB tăng 3,31%, VRE tăng 2,22% và STB tăng 2,56% là 5 trụ mạnh nhất. Thậm chí 5 mã này gánh toàn bộ điểm tăng cho VN-Index khi cộng vào tới 3,22 điểm, trong khi chỉ số tăng 3,11 điểm.

Giao dịch của khối ngoại hôm nay tiếp tục là một ngày bán ròng lớn nữa, dù có yếu tố đột biến từ STB. Phiên chiều STB ít được giao dịch, khối này xả tổng cộng 514,1 tỷ đồng ở HoSE và mua vào 420,3 tỷ. Như vậy cả ngày vẫn là bán ròng 412,3 tỷ đồng, trong đó 287 tỷ thuộc về STB. Các mã còn lại bị xả lớn là SSI -77,2 tỷ, DGW -70,4 tỷ, VPB -65,4 tỷ, VND -58,1 tỷ, VCI -21,4 tỷ. Phía mua có HPG +76,1 tỷ, VHM +37,4 tỷ, DXG +31,5 tỷ, VNM +24,6 tỷ.

Điều đáng lo ngại không phải là việc khối ngoại bán ròng, vì tổng giá trị bán ra hàng ngày vẫn duy trì. Nguyên nhân và đáng lo hơn là lực mua suy yếu nhanh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate