Mặc cho giá cổ phiếu ngành khác trồi sụt liên tục, thị trường chứng khoán vẫn có những cơn sóng lớn, và cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn luôn là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư.
100% CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG TĂNG GIÁ TRONG THÁNG
Hết ngày 28/4, mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp nói chung gần như kết thúc. Riêng với ngành ngân hàng chỉ còn Eximbank chưa thể tổ chức xong do không đủ tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Vào thời điểm đó, chỉ số VN-Index đã giao động đi ngang được một tháng, các nhóm ngành đều điều chỉnh mạnh. Song cổ phiếu ngân hàng vẫn có quãng thời gian bứt tốc.
Vì vậy trên thị trường bắt đầu xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh việc cổ phiếu ngân hàng còn tăng tiếp hay không?
Tại quan điểm tích cực, họ cho rằng kết quả kinh doanh tốt, nền tảng hỗ trợ từ Thông tư 03 hứa hẹn lợi nhuận sẽ tiếp tục được củng cố trong quý 2. Thậm chí, dư địa phát triển ngành ở trung hạn vẫn là cơ sở để nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan về nhóm cổ phiếu này.
Ngược lại, ý kiến thận trọng cho rằng không nên đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng. Bởi lẽ, dịch bệnh đang bùng phát trở lại, doanh nghiệp bị suy giảm “sức khỏe” trong 3 đợt dịch trước khó lòng trụ được ở làn sóng Covid-19 thứ 4. Khi đó nợ xấu sẽ tăng mạnh, dù mới phải trích lập 30% theo Thông tư 03 nhưng lợi nhuận cũng bị giảm đáng kể.
Đồng thời, tháng 5 là khoảng thời gian thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ, cộng với hiệu ứng “Sell in May” nên dư địa để cổ phiếu ngân hàng tăng càng hẹp. Đấy là còn chưa kể đến xu hướng khối ngoại rút ròng liên tục từ tháng 10/2020.
Ngoài ra ở góc nhìn kỹ thuật, hầu hết các cổ ngân hàng đều thanh khoản lớn nhưng đà tăng lại không giống nhau. Chỉ có số ít tăng trưởng mạnh, trong khi phần còn lại thậm chí còn chưa bắt kịp tốc độ tăng của chỉ số VN-Index. Độ lan tỏa giữa các mã trong nhóm cũng không cao, dòng tiền đầu cơ có dấu hiệu hướng tới ngân hàng có câu chuyện riêng.
Nhìn chung, mốc thời gian này được đánh giá là quan trọng với các cổ đông ngân hàng khi phải lựa chọn "đu" đỉnh, gồng lãi hay chốt lời. Tuy nhiên thực tế đang nghiên hẳn về phía những nhà đầu tư có quan điểm tích cực và tin tưởng vào ngành.
Cụ thể, kể từ ngày 28/4 cho đến nay (28/5) là tròn một tháng, thị trường có 27 ngân hàng niêm yết, giá của 27 mã cổ phiếu tương ứng đều tăng. Nếu như ở quãng thời gian đầu, 8 mã cổ phiếu ngân hàng trong rổ chỉ số VN30 tăng tốt thì càng về sau, cổ phiếu ngân hàng nhỏ lại chạy nước rút. Có mã tăng giá gần 55% trong 6 phiên giao dịch.
Hiện tại, VCB của Vietcombank tăng nhẹ nhất từ 99.000 đồng/cổ phiếu lên 99.600 đồng/cổ phiếu, tức tăng 0,6%. Cho dù vậy, VCB vẫn là cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất.
Trong khi đó, cổ phiếu BVB của ngân hàng Bản Việt tăng mạnh nhất với mức tăng 69,1%. Chốt phiên giao dịch 28/5, BVB có giá 23.000 đồng/cổ phiếu.
Có 2 điểm đáng chú ý trong đợt bùng nổ giá cổ phiếu ngân hàng lần này. Thứ nhất, có 20 mã tăng trên 20%, 6/7 mã còn lại tăng trên 10%. Thứ hai, nhóm 7 mã tăng mạnh nhất, có 6 mã đang giao dịch tại UPCoM.
VẪN CHƯA HẾT NÓNG?
Với diễn biến như trên, câu hỏi cổ phiếu ngân hàng có còn tăng hay không lại được đặt lên bàn cân. Bởi lẽ, thị trường không chỉ riêng của cổ phiếu ngân hàng, dòng tiền rồi sẽ đến lúc phải luân chuyển sang các cổ phiếu khác.
Tuy nhiên, có một vài lý do khiến cổ ngân hàng chưa thể hết nóng ngay. Điển hình như việc các quỹ đầu tư vẫn gia tăng nắm giữ và kỳ vọng vào một kết quả kinh doanh ngành ngân hàng tốt hơn trong quý 2/2021.
Hay đối với nhà đầu tư cá nhân, họ luôn tin tưởng ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt, là huyết mạch kinh tế chịu sự giám sát chặt chẽ từ phía Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nên cổ phiếu ngân hàng sẽ an toàn hơn các nhóm ngành khác. Đầu tư vào ngân hàng có thể an tâm với mức tăng trưởng đều đặn trong dài hạn, bất chấp khó khăn của nền kinh tế.
Mặt khác, mùa đại hội cổ đông 2021 gần kết thúc nhưng câu chuyện tăng vốn mới chỉ bắt đầu nóng những ngày gần đây, trong đó có ngành ngân hàng. Do tác động pha loãng lợi nhuận là không đáng kể, tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu ngân hàng từ nay đến cuối năm 2021.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, khoảng 16 ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ đáng kể. Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82.700 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm việc tăng qua chia tách cổ phiếu; phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu; phát hành cổ phiếu lựa chọn cho nhân viên (ESOP).
Riêng Techcombank, VPBank, Sacombank không duy trì chính sách trả cổ tức cổ phiếu kể từ 2018, trong khi hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần trả cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao hơn những năm trước.
Kỹ thuật hơn một chút, Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) nhận định P/E, P/B toàn ngành ngân hàng vẫn còn hấp dẫn khi lần lượt thấp hơn 30% và 16% so với chỉ số VN-Index.
"So với thị trường mới nổi và ASEAN, mức định giá cao hơn hiện tại hoàn toàn phù hợp với hiệu suất sinh lời hấp dẫn và tiềm năng của ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh vĩ mô thuận lợi hơn mặt bằng chung", nhóm nghiên cứu tại IVS đánh giá.
Dù vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng, trong mỗi nhóm ngành đều có cổ phiếu tốt và cổ phiếu không tốt. Với loại cổ phiếu nào đi nữa việc thẩm định kỹ càng là cách phòng ngừa rủi ro tốt nhất. Đặc biệt, với nhà đầu tư đã có lãi, chốt lời chưa bao giờ là sai.