Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính chung 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt khoảng trên 4,7 triệu tấn, tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.
GIÁ THỊT LỢN GIẢM SÂU, NGƯỜI NUÔI LỖ NẶNG
Trong đó, tổng đàn lợn cả nước tháng 9/2021 khoảng 28 triệu con, tăng 5%, những tỉnh có đàn lợn lớn như Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa. Sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,9 triệu tấn, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn duy trì phát triển hiện tổng đàn lợn thịt trên 6 triệu con. Vừa qua do giãn cách xã hội, nhu cầu giảm nhiều, nên đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30%.
9 tháng đầu năm 2021, giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm mạnh. Từ tháng 3 - 4 giá bình quân khoảng 70.000-75.000 đồng/kg đến tháng 7 - 8/2021 giá bình quân từ 50.000-58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đg/kg.
Sang tháng 9/2021 giá tiếp tục giảm, tính đến thời điểm hiện tại, giá bình quân đang dao động từ 40.000-49.000 đồng/kg tùy từng vùng, đặc biệt có một số địa phương do giãn cách xã hội giá xuống dưới 40.000 đồng/kg.
So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 25.000-30.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn hơi giảm sâu trong khi giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt khoảng 45.000-50.000 đồng/kg; chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg.
Như vậy với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay thì người chăn nuôi cũng không còn thu được lợi nhuận như các tháng đầu năm 2021. Thậm chí, nếu tính giá đầu vào 53.000 - 63.000 đồng/kg, đầu ra chỉ dưới 40.000 đồng/kg thì người nuôi có thể còn lỗ nặng.
Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống và các siêu thịt vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng chống dịch.
Cục Chăn nuôi cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, khó khăn trong vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều (khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng, một số nhà máy giết mổ, chế biến, chợ truyền thống, chợ dân sinh có người bị Covid phải đóng cửa...) đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.
Vì vậy, sản phẩm chăn nuôi ứ đọng quá tuổi. Đặc biệt các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ các doanh nghiệp chăn nuôi chỉ tiêu thụ được 5-10% gà công nghiệp trắng, gà lông màu và lợn tiêu thụ được khoảng 70%.
Thịt lợn trong nước đã dư thừa, song theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi ước trên 2,7 tỷ USD trong tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành nông nghiệp là 32,2 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 1.125,5 triệu USD, tăng mạnh 28,6%.
DOANH NGHIỆP CHĂN NUÔI LAO ĐAO
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Tập đoàn Dabaco Việt Nam thông báo quý 3 ước đạt 4.133 tỷ đồng doanh thu và 138 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu tăng 56% nhưng lợi nhuận lại giảm 64% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý ghi nhận mức thấp nhất tính từ quý 4/2019.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng - sản xuất – chế biến – tiêu thụ; các hoạt động giao thương, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế và đình trệ.
Dịch bệnh cũng làm phát sinh thêm nhiều khoản chi phí cho các doanh nghiệp như chi phí vận chuyển, xét nghiệm Covid, chi phí do thực hiện phương án 3 tại chỗ để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động nằm trong khu cách ly, phong tỏa không tham gia sản xuất; chi phí tăng ca do thiếu hụt lao động nghỉ dịch và bố trí sản xuất đảm bảo giãn cách, phòng chống dịch…
Lũy kế 9 tháng, doanh thu ước đạt 13.669 tỷ đồng, thực hiện 89% kế hoạch năm và tăng 93%; lợi nhuận sau thuế 718 tỷ đồng, thực hiện 87% kế hoạch năm và giảm 37% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, tại Chăn nuôi Phú Sơn (PSL), ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh chăn nuôi heo của công ty trong quý 3/2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc vận chuyển tiêu thụ heo gặp khó khăn, giá cả tiêu thụ heo thịt, heo giống giảm mạnh, chi phí đầu vào là thức ăn chăn nuôi tăng cao, một số chi phí phát sinh thêm để phòng chống dịch Covid-19.
Kết quả kinh doanh quý 3/2021 ghi nhận heo thịt tiêu thụ 446 tấn, tương ứng với tổng doanh thu 26,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 889 triệu đồng. Doanh nghiệp dự kiến kết quả quý 4 tới đây còn thấp hơn với doanh thu 17,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 597 triệu đồng.
Trong quý 4, tình hình chăn nuôi heo tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tác động của dịch Covid-19, giá cả tiêu thụ heo thịt, heo giống vẫn ở mức thấp, giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu giảm làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Do đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu 17,46 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 597 triệu đồng.
Như vậy, nửa cuối năm, doanh nghiệp dự kiến doanh thu khoảng 44 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 40% so với nửa đầu năm; lợi nhuận gần 1,5 tỷ đồng, giảm 94-95%.
Tại Mitraco (MLS), ban lãnh đaọ doanh nghiệp cho biết, dịch Covid-19 diễn biến nguy hiểm, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế toàn tỉnh, tình hình đi lại khó khăn và sức thu mua của người dân giảm nên sản lượng bán hàng không có sự đột phá, đến hết tháng 8 sản lượng lợn thương phẩm của Công ty chưa bán hết theo kế hoạch là 3.300 con. Năm 2021, Mitraco đặt mục tiêu doanh thu 350.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 45 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2020.
Cùng với giá heo, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DBC và SPL đã giảm trong thời gian gần đây. DBC hiện đang giao dịch ở vùng giá 58.600 đồng/cổ phiếu, giảm 7% kể từ cuối tháng 9, PLS tăng nhẹ những phiên gần đây nhưng so với giá thời điểm tháng 6 đã giảm 12%.