June 28, 2023 | 11:41 GMT+7

Gia tộc Samsung chật vật trả gần 10 tỷ USD thuế thừa kế

Ngọc Trang -

Những người thừa kế trong gia tộc Samsung đã phải cầm cố cổ phiếu để vay tiền và gần đây đã nâng khoản vay lên gần 3 tỷ USD để trả thuế thừa kế...

Ông Lee Jae-yong cùng mẹ và các chị em gái là những người thừa kế tài sản (chủ yếu là cổ phần tại Samsung) do cha ông - ông Lee Kun-hee - để lại - Ảnh: Getty Images
Ông Lee Jae-yong cùng mẹ và các chị em gái là những người thừa kế tài sản (chủ yếu là cổ phần tại Samsung) do cha ông - ông Lee Kun-hee - để lại - Ảnh: Getty Images

Theo tin từ Bloomberg, nhà Samsung - gia tộc giàu nhất Hàn Quốc - đã tăng các khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu của mình lên khoảng 3 tỷ USD. Đây được cho là động thái nhằm thanh toán khoản thuế thừa kế lên tới gần 10 tỷ USD và duy trì quyền lực tại “đế chế” Samsung.

Tính tới tháng trước, các khoản vay nói trên của nhà Samsung đã tăng gần gấp 4 lần so với thời điểm cuối năm 2021. Đó cũng là năm ông Lee Jae-yong và gia đình thông báo sẽ nộp khoản thuế thừa kế khoản lồ lên tới hơn 12.000 tỷ Won (9,2 tỷ USD) làm 6 đợt trong vòng 5 năm sau khi cha ông Lee là ông Lee Kun-hee - chủ tịch lâu năm của tập đoàn Samsung - qua đời vào cuối năm 2020.

Thế chấp cổ phiếu để vay tiền là một cách để duy trì tài sản của gia đình Samsung tại Hàn Quốc khi họ phải đối mặt với một trong những khoản thuế thừa kế lớn nhất thế giới (mức thuế có thể lên tới 60% giá trị tài sản thừa kế).

“Những người thừa kế trong gia tộc Samsung có thể đang tăng vay tiền bởi đây là cách tốt nhất để nộp thuế thừa kế”, ông Park Sangin, giáo sư tại Trường Hành chính công thuộc Đại học Quốc gia Seoul, nhận xét. “Họ sẽ không muốn bán cổ phần tại Samsung của mình để lấy tiền mặt bởi việc này có thể ảnh hưởng tới quyền kiểm soát của họ tại tập đoàn”.

Tuy nhiên, một số người chỉ trích cho rằng khoản thuế thừa kế khổng lồ của nhà Samsung cũng có thể là một gánh nặng đối với cổ phiếu của các công ty mà gia đình này đang nắm quyền kiểm soát.

“Việc này có thể tạo ra xung đột lợi ích với cổ đông tại các công ty đó”, ông Lee Changhwan, CEO của Align Partners Capital Management tại Seoul, nói. “Ví dụ, gia đình Samsung có thể không muốn giá cổ phiếu tăng lên vì việc này sẽ càng làm tăng gánh nặng thuế đối với họ. Đây là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu giảm”.

Trong khi đó, việc thế chấp cổ phiếu để vay tiền cũng kèm theo rủi ro bị gọi ký quỹ (margin call) và có thể khiến các thành viên trong gia đình phải bán một phần cổ phần của họ tại các công ty trong tập đoàn nếu giá cổ phiếu giảm.

Cổ phiếu của 4 công ty thuộc tập đoàn Samsung, trong đó có Samsung Electronics Co. và Samsung C&T Corp., thuộc quyền sở hữu của các thành viên gia đình Samsung hiện được nộp lên tòa án để làm tài sản thế chấp cho khoản thuế thừa kế khổng lồ. Tổng giá trị số cổ phiếu này là 13,3 tỷ USD, trong đó chưa tới một nửa được dùng để thế chấp vay tiền.

Theo Bloomberg Billionaire Index, tổng giá trị tài sản của những người thừa kế trong gia tộc Samsung là 17,5 tỷ USD, sau khi trừ đi số cổ phiếu dùng làm tài sản thế chấp. Ngoài việc cầm cố cổ phiếu để vay tiền, bà Hong Ra-hee – mẹ của ông Lee Jae-yong – cùng các con gái đã bán một phần cổ phiếu của mình, trong đó có 0,33% cổ phần tại Samsung Electronics với giá khoảng 1.400 tỷ Won vào tháng 3/2022.

Tháng 10 năm ngoái, Samsung Electronics bổ nhiệm ông Lee Jae-yong - con trai duy nhất của cố chủ tịch Lee Kun-hee – làm chủ tịch điều hành của công ty. Theo Bloomberg, ông Lee hiện sở hữu tài sản 8,7 tỷ USD.

Cũng giống gia tộc Samsung, gia đình của ông Kim Jung-ju - người sáng lập quá cố của công ty phát triển game trực tuyến Nexon Co. - cũng đang đối mặt khoản thuế thừa kế khổng lồ. Để nộp một phần thuế này, gia đình Kim đã chuyển giao một phần sở hữu của họ tại công ty mẹ NXC Corp. sang cho Chính phủ Hàn Quốc. Động thái này đã đưa Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc trở thành cổ đông lớn thứ hai tại NXC Corp. Công ty này hiện kiểm soát khoảng 47% cổ phần tại hãng game Nexon.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate