Theo trang CNN Business, lần đầu tiên trong lịch sử, giá trị M&A trên toàn cầu vượt ngưỡng 5 nghìn tỷ USD trong một năm. Dữ liệu từ Dealogic cho thấy tính đến ngày 16/12, giá trị M&A toàn cầu trong năm nay đã đạt 5,63 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này phá vỡ kỷ lục trước đó, là 4,42 nghìn tỷ USD thiết lập vào năm 2007, trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính.
“Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp rất lành mạnh, với 2 nghìn tỷ USD tiền mặt được doanh nghiệp tích trữ chỉ riêng ở Mỹ. Ngoài ra, khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng vẫn hết sức dễ dàng, với lãi suất siêu thấp”, ông Chris Roop, trưởng bộ phận M&A khu vực Bắc Mỹ thuộc ngân hàng JPMorgan nhận định.
Công nghệ và y tế, hai lĩnh vực vốn thường chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường M&A toàn cầu, tiếp tục là những mảng dẫn đầu trong năm nay, một phần do nhu cầu bị dồn nén trong năm ngoái – khi hoạt động M&A trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất 3 năm do ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu.
Năm nay chứng kiến cuộc đua huy động vốn của các công ty bằng cách bán cổ phiếu hoặc trái phiếu. Các doanh nghiệp lớn tận dụng sự tăng trưởng bùng nổ của thị trường chứng khoán để dùng cổ phiếu của chính mình như một dạng tiền để thâu tóm công ty khác, trong khi các nhà đầu tư khác gom mua mạnh cổ phiếu của các công ty niêm yết.
Ngoài ra, lợi nhuận rực rõ của doanh nghiệp và triển vọng kinh tế nhìn chung ngày càng sáng lên giúp các nhà điều hành doanh nghiệp tự tin theo đuổi những thương vụ lớn và mang tính thay đổi, bất chấp một số trở ngại tiềm tàng như áp lực lạm phát.
“Thị trường chứng khoán tăng mạnh là một động lực chủ đạo cho M&A. Giá cổ phiếu cao đồng nghĩa với triển vọng kinh tế tích cực và niềm tin của các CEO”, ông Tom Miles, trưởng bộ phận M&A tại thị trường Mỹ của Morgan Stanley, nhận định.
Riêng tại Mỹ, tổng giá trị các thương vụ M&A trong năm nay tăng gần gấp đôi, đạt 2,61 nghìn tỷ USD, theo Dealogic. Tại thị trường châu Âu, mức tăng trưởng là 47%, đạt 1,26 nghìn tỷ USD. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến mức tăng 37%, đạt 1,27 nghìn tỷ USD.
“Hoạt động M&A ở nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc năm nay khá khiêm tốn. Nhưng doanh nghiệp từ các nước châu Á khác đã đẩy mạnh thâu tóm tài sản trên toàn cầu. Chúng tôi dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn, nhất là đối với các thương vụ ở châu Âu và Mỹ”, ông Raghav Maliah, Phó chủ tịch toàn cầu phụ trách mảng ngân hàng đầu tư của Goldman Sachs, phát biểu.
Trong số những thoả thuận lớn nhất năm nay phải kể đến vụ AT&T mua Discovery với giá 43 tỷ USD, hay vụ Medline Industries mua lại cổ phiếu từ cổ đông để rút niêm yết khỏi thị trường chứng khoán với trị giá 34 tỷ USD. Đa số các thương vụ lớn của năm đều được công bố trong 6 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, tần suất của các thương vụ M&A trên toàn cầu không hề giảm sút trong nửa cuối năm. Hôm 21/11, KKR đề xuất mua lại nhà mạng viễn thông lớn nhất Italy là Telecom Italia với giá khoảng 40 tỷ USD. Thương vụ này hiện chưa được chốt.
Nguồn vốn dồi dào trên toàn cầu đã thúc đẩy các thương vụ đầu tư cổ phần tư nhân, với tổng trị giá từ đầu năm đến nay đã tăng gấp hơn 2 lần, đạt kỷ lục 985,2 tỷ USD – theo Dealogic.
“Các nhà đầu tư đang triển khai vốn với tốc độ chưa từng có tiền lệ. Điều đó có nghĩa là trên cấp độ toàn cầu, mức định giá tài sản đã đạt tới ngưỡng lịch sử”, Chủ tịch phụ trách mảng tư vấn thị trường vốn ngân hàng khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi thuộc Citigroup, ông Luigi de Vecchi, nhận định. “Câu hỏi đặt ra lúc này là mức giá đang được trả hiện nay có tiếp tục phù hợp hay không”.
Thị trường M&A sôi động đồng nghĩa với một “mỏ vàng” cho các ngân hàng đầu tư hàng đầu - những đơn vị thường được mời tư vấn và xử lý các thủ tục trong các vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
“Năm nay, các ngân hàng đầu tư trên toàn cầu có thể thu về hơn 100 tỷ USD tiền phí. Nhu cầu đối với mỗi các sản phẩm ngân hàng đầu tư trong năm nay đều ở mức chưa từng có tiền lệ”, trưởng bộ phận M&A toàn cầu của Deutsche Bank, ông Berhold Fuerst, cho biết.