Giá vàng thế giới chững lại trong lúc cuộc đàm phán nâng trần nợ của Mỹ chưa có bước tiến nào và đồng USD tăng giá gây áp lực giảm lên thị trường kim loại quý. Giá vàng miếng trong nước sáng nay (24/5) có nơi giảm, có nơi tăng, nhìn chung duy trì xu hướng ổn định trên ngưỡng 67 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 9h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.974,7 USD/oz, giảm 2 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ. Mức giá này tương đương 56,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Cùng thời điểm trên, Tập đoàn Phú Quý báo giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,1 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 100.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,9 triệu đồng/lượng và 56,8 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,5 triệu đồng/lượng và 67,1 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn 10,9 triệu đồng/lượng.
Trong phiên ngày thứ Ba tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 3,9 USD/oz, tương đương tăng 0,2%, chốt ở 1.976,7 USD/oz.
Vàng chững giá trong bối cảnh nhà đầu tư chờ bước tiến trong cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ, khi ngày 1/6 - mốc thời gian mà Bộ Tài chính nước này đã cảnh báo rằng Washington có thể rơi vào cảnh vỡ nợ - đang đến rất gần.
Trong cuộc gặp diễn ra vào cuối ngày thứ Hai tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã không đạt được thoả thuận nào để nâng trần nợ Mỹ từ mức 31,4 nghìn tỷ USD hiện nay. Ngày thứ Ba, các trợ lý của hai bên tiếp tục các cuộc thảo luận, song chưa có bước tiến cụ thể nào.
Mối lo về khủng hoảng trần nợ tiếp tục là chất xúc tác để nhiều nhà đầu tư nắm giữ vàng, nhưng đa phần giới phân tích tin rằng trần nợ sẽ được nâng kịp thời và nước Mỹ sẽ tránh được cảnh vỡ nợ.
Đồng USD duy trì xu hướng tăng gần đây cũng đang gây áp lực mất giá đối với kim loại quý. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã tăng lên mức 103,5 điểm trong phiên sáng nay, từ mức 103,3 điểm vào sáng hôm qua. Đây là mức điểm cao nhất của chỉ số trong vòng 2 tháng trở lại đây - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Bạc xanh đang được hỗ trợ và giá vàng chịu sức ép giảm từ những phát biểu cứng rắn gần đây của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Hôm thứ Hai, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari nói với hãng tin CNBC rằng “lãi suất có thể phải tăng trên 6%” để lạm phát giảm về mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra. Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard cũng nói lãi suất có thể cần phải tăng thêm 0,5 điểm phần trăm nữa.
Giá vàng thế giới đã giảm gần 100 USD/oz từ mức gần kỷ lục thiết lập hồi đầu tháng này. Nguyên nhân chính khiến giá vàng tụt khỏi đỉnh là sự đặt cược ngày càng lớn rằng lãi suất của Fed sẽ giữ ở mức cao trong thời gian lâu hơn.
“Ở thời điểm hiện tại, thị trường chưa hoàn toàn loại trừ khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất nữa. Và đó rõ ràng là điều thị trường không tính tới ở thời điểm cách đây một tháng. Giá các tài sản bắt buộc phải điều chỉnh lại để phản ánh thay đổi kỳ vọng đó”, chiến lược gia trưởng Ole Hansen của Saxo Bank phát biểu.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là biên bản cuộc họp ngày 2-3/5 của Fed. Từ biên bản này, nhà đầu tư kỳ vọng sẽ tìm được những tín hiệu mới về đường đi của lãi suất trong thời gian tới.
Sau khi mua ròng khoảng 11 tấn vàng trong nửa tháng, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán ròng trong phiên ngày thứ Ba. Xả 2,6 tấn vàng, quỹ giảm khối lượng nắm giữ còn 941,3 tấn vàng.
Vietcombank sáng nay là 23.300 đồng (mua vào) và 23.640 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng hôm qua.