Giá vàng thế giới tăng khá mạnh và thiết lập đỉnh cao mới của mọi thời đại trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (22/10), khi nhu cầu phòng ngừa rủi ro gia tăng trước bầu cử tổng thống Mỹ và trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục nóng. Đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng không cản được xu hướng leo thang của giá vàng.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 29,5 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương tăng gần 1,1%, đạt 2.749,4 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Đây là mức giá đóng cửa cao chưa từng thấy trong lịch sử của giá vàng giao ngay.
Tại thời điểm gần 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 9,9 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, tương đương giảm 0,36%, giao dịch ở mức 2.739,5 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 84 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Đầu giờ sáng nay, Vietcombank báo giá USD ở mức 25.072 đồng (mua vào) và 25.462 đồng (bán ra), tăng 32 đồng ở mỗi đầu giá so với cùng thời điểm ngày hôm qua. Đà tăng mạnh của tỷ giá USD/VND trong nước phản ánh xu hướng tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Giá vàng thế giới đã tăng hơn 32% và lập kỷ lục gần 40 lần từ đầu năm đến nay. Có nhiều yếu tố kết hợp tạo thành một môi trường hoàn hảo cho sự tăng giá của vàng, gồm triển vọng lãi suất giảm trên toàn cầu, xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương, căng thẳng địa chính trị gia tăng, và hàng loạt cuộc bầu cử diễn ra trên thế giới trong đó có bầu cử ở Mỹ.
“Căng thẳng địa chính trị vẫn đang là động lực tăng chủ đạo của giá vàng… Chưa kể, chỉ còn 2 tuần nữa là đến bầu cử tổng thống Mỹ và cuộc đua đang rất nóng. Mức độ bấp bênh cao về chính trị cũng đang thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro”, chiến lược gia cấp cao Peter A. Grant của công ty Zaner Metals nhận định với hãng tin Reuters.
Liên quan tới tình hình Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong nỗ lực lớn đầu tiên nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn cho khu vực này sau khi Israel hạ sát lãnh đạo của tổ chức Hamas vào tuần trước. Washington hy vọng những nỗ lực này sẽ mang lại cơ hội cho hòa bình, nhưng giới phân tích tỏ ra nghi ngờ.
“Chắc chắn là nếu tình hình Trung Đông nón lên, giá vàng có thể đạt mức 3.000 USD/oz trước cuối năm nay. Nhưng tôi cho rằng khả năng cao hơn mức giá này sẽ xuất hiện vào quý 1/2025”, ông Grant nói, nhấn mạnh rằng chủ trương giảm lãi suất của đa số các ngân hàng trung ương lớn là một nhân tố quan trọng khác giúp vàng tăng giá.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng 91% Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 7/11. Khả năng Fed không hạ lãi suất trong lần họp này là 9%.
Theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất của Reuters/Ipsos, ứng cử viên của Đảng Dân chủ - Phó tổng thống Kamala Harris - được 46% người tham gia khảo sát dự báo sẽ đắc cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới. 43% cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump - ứng cử viên của Đảng Cộng hòa - sẽ tái đắc cử.
“Khả năng trúng cử sát nút của hai ứng cử viên đã tạo ra một sự bất định lớn về triển vọng kết quả bầu cử. Điều này có lợi cho giá vàng”, một báo cáo của ngân hàng BNP Paribas nhận xét.
Trên phương diện kỹ thuật, Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) của vàng đang ở mức 74 điểm, cho thấy giá vàng đã rơi vào vùng “mua quá nhiều”.
Vàng tăng giá ngay cả khi đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ duy trì xu hướng tăng.
Chỉ số Dollar Index chốt phiên ngày thứ Ba ở mức 104,08 điểm, so với mức 104,01 điểm của phiên trước. Sáng nay, chỉ số tiếp tăng, có thời điểm đạt mức 104,14 điểm, cao nhất từ cuối tháng 7.
Phiên ngày thứ Ba chứng kiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 4,2% lần đầu tiên trong khoảng 3 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, về cuối phiên, lợi suất của kỳ hạn này đã giảm về dưới mốc 4,2%.
Nguyên nhân khiến đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng là phát biểu thận trọng của giới chức Fed về đường đi của lãi suất. Sự thận trọng này dẫn tới việc thị trường tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất với tốc độ chậm và lạm phát cũng như lãi suất ở Mỹ trong tương lai sẽ cao hơn lâu hơn so với kỳ vọng.