September 24, 2022 | 10:45 GMT+7

Giá vàng lao dốc xuống đáy 2,5 năm do áp lực từ lãi suất tăng

Điệp Vũ -

Giá vàng miếng trong nước sáng nay (24/9) giảm cầm chừng, khiến chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới vượt 19 triệu đồng/lượng...

Ảnh minh hoạ - ẢnhL Reuters.
Ảnh minh hoạ - ẢnhL Reuters.

Giá vàng thế giới giảm chóng mặt trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (23/9), xuống mức thấp nhất gần 30 tháng do tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ không ngừng tăng lên trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn hơn để chống lạm phát.

Giá vàng miếng trong nước sáng nay (24/9) giảm cầm chừng, khiến chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới vượt 19 triệu đồng/lượng.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tụt 26,8 USD/oz, tương đương giảm 1,6%, còn 1.645,4 USD/oz - theo dữ liệu từ Kitco. Trong phiên, có lúc giá vàng giảm còn 1.640 USD/oz, thấp nhất kể từ tháng 4/2020.

“Đồng USD đang không ngừng mạnh lên và sức mạnh của bạc xanh sẽ tiếp tục khiến cho giá vàng dễ tổn thương trong ngắn hạn”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định với hãng tin Reuters. “Rõ ràng nền kinh tế đang rơi vào suy thoái. Nguy cơ ‘hạ cánh cứng’ đã tăng lên, và điều này đang thúc đẩy dòng vốn chảy vào đồng USD. Đó thực sự là tin xấu đối với vàng”.

Phiên này, đồng USD lập đỉnh cao mới của 20 năm, với chỉ số Dollar Index có lúc vượt 113,2 điểm. Cuối phiên, chỉ số chốt ở 113,02 điểm, tăng 1,5% so với phiên trước đó.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2010, chốt phiên ở mức gần 3,69%.

“Giá vàng sẽ chủ yếu giằng co trong thời gian còn lại của năm”, một báo cáo của Fitch Solutions nhận định khi nói về ảnh hưởng của đồng USD mạnh và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đối với giá vàng.

Môi trường lãi suất tăng không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu đang gây ra nhiều bất lợi đối với vàng - tài sản không có lãi suất. Tuần này, một loạt ngân hàng trung ương gồm của Mỹ, Anh, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ và Na Uy cùng tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, ưu thế lãi suất và sự cứng rắn nổi bật của Fed là một nhân tố quan trọng thúc đồng USD tăng giá, đặt thêm áp lực mất giá lên vàng - tài sản được định giá bằng USD. Hôm thứ Tư, Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất lên cao hơn và trong thời gian lâu hơn so với kỳ vọng trước đó của thị trường.

Cả tuần này, Dollar Index tăng gần 3% trong khi giá vàng giảm gần 1,9%.

“Vàng và những kim loại quý như bạc và bạch kim sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm cho tới khi thị trường phản ánh hết sự cứng rắn của các ngân hàng trung ương”, chiến lược gia trưởng Ole Hansen của Saxo Bank nhận định.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz.

Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán ròng vàng trong tất cả 5 phiên giao dịch của tuần này. Phiên ngày thứ Sáu, quỹ bán 2,9 tấn vàng, giảm nắm giữ còn 947,2 tấn. Cả tuần, quỹ xả khoảng 13 tấn vàng.

Lúc hơn 9h sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 65,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,5 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tương ứng 150.000 đồng/lượng và 100.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 50,45 triệu đồng/lượng và 51,25 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 65,8 triệu đồng/lượng và 66,6 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng.

Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 23.565 đồng (mua vào) và 23.845 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng thứ Sáu. Tuần này, giá USD tại Vietcombank tăng 50 đồng.

Với tỷ giá USD bán ra này giá vàng thế giới tương đương 47,3 triệu đồng/lượng, giảm 800.000 đồng/lượng so với sáng qua. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 19,2 triệu đồng/lượng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate