Giá vàng thế giới đạt mức cao chưa từng thấy trong bối cảnh những lời đe dọa thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục khiến giới đầu tư toàn cầu lo lắng và tìm kiếm “hầm trú ẩn”. Tuy nhiên, đồng USD tăng giá và quan điểm cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang gây áp lực mất giá lên vàng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư (19/2) tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 1,9 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm 0,06%, còn 2.934 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Trong phiên, có lúc giá vàng đạt 2.946,85 USD/oz, cao chưa từng thấy trong lịch sử. Kỷ lục mới này “xô đổ” kỷ lục cũ của giá vàng giao ngay là mức 2.942,7 USD/oz thiết lập vào hôm thứ Ba tuần trước.
Giá vàng giao sau trên sàn COMEX chốt phiên với mức giảm 0,4%, còn 2.936,1 USD/oz.
Gần 9h sáng nay (20/2) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 2,1 USD/oz so với giá chốt phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.936,1 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 90,9 triệu đồng/lượng.
“Thị trường đang ở trong tình trạng bấp bênh cao… Chất xúc tác cho vàng tăng giá là thuế quan. Tin tức về thương mại và những lời đe dọa thuế quan đang ảnh hưởng đến khắp thế giới, hỗ trợ cho giá vàng”, chiến lược gia thị trường Paul Wong của công ty Sprott Asset Management nhận định với hãng tin Reuters.
Ông Trump hôm thứ Ba tuyên bố sẽ áp thuế quan 25% lên ô tô, con chip và dược phẩm nhập khẩu. Tuy không nói rõ việc áp thuế quan này sẽ chỉ nhằm vào một số đối tác thương mại trên diện rộng, ông cho biết kế hoạch có thể được thực thi sớm nhất vào ngày 2/4. Trước đó, ông đã áp thuế quan 10% lên hàng hóa Trung Quốc; thuế quan 25% lên Canada và Mexico nhưng hoãn 1 tháng; thuế quan 25% lên thép và nhôm nhập khẩu; và đưa ra kế hoạch áp thuế quan có đi có lại lên tất cả các đối tác thuơng mại của Mỹ.
Vàng được xem là một tài sản an toàn giúp nhà đầu tư bảo toàn giá trị tài sản trước những rủi ro về địa chính trị và lạm phát. Tuy nhiên, môi trường lãi suất cao hơn lâu hơn cũng gây áp lực giảm giá lên vàng - tài sản không mang lãi suất.
Biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố ngày 19/2 một lần nữa cho thấy giới chức Fed muốn có thêm bước tiến về giảm lạm phát mới tiếp tục cắt giảm lãi suất, và họ cũng đang lo lắng về ảnh hưởng từ các kế hoạch thuế quan của ông Trump đối với lạm phát.
Theo dữ liệu từ công ty LSEG, thị trường lãi suất tương lai đang nghiêng về khả năng Fed có một lần giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong năm nay, và khả năng chỉ 44% có thêm một đợt giảm thứ hai.
Đồng USD tăng giá sau khi biên bản cuộc họp Fed được công bố, gây áp lực giảm lên giá vàng. Chỉ số Dollar Index chốt phiên ngày thứ Tư ở mức 107,17 điểm, từ mức 107,05 điểm của phiên trước.

Ngoài ra, đà tăng của giá vàng cũng có phần bị hạn chế bởi khả năng sắp có một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine.
“Dư địa tăng của giá vàng trong ngắn hạn bị hạn chế bởi vòng đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Nga về hòa bình cho Ukraine. Vòng đàm phán này chưa mang lại kết quả cụ thể gì, nhưng nếu các bên đi đến được một kế hoạch rõ ràng, điều đó sẽ gây bất lợi cho giá vàng”, Giám đốc Ajay Kedia của công ty Kedia Commodities nhận xét với Reuters.
“Sẽ có một số hoạt động chốt lời kỹ thuật vì phần bù rủi ro chiến tranh sẽ giảm bớt. Ngưỡng kháng cự mạnh của giá vàng sẽ là mức khoảng 2.970 USD/oz, trong khi mức hỗ trợ mạnh sẽ là 2.890 USD/oz”, ông Kedia nói thêm.
Nhìn về dài hạn, giới phân tích vẫn lạc quan về triển vọng tăng giá của vàng. “Nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump đang tạo ra nhiều bất định về kinh tế vĩ mô và địa chính trị. Tình trạng đó có thể sẽ thúc đẩy nhà đầu tư đa dạng hóa sang vàng”, một báo cáo của ngân hàng ANZ nhận định.