Vừa mở cửa sáng nay, giá vàng trong nước đã nhảy vọt gần 3 triệu đồng/lượng so với cuối tuần, do giá vàng thế giới tiến về mốc 2.000 USD/oz. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn đang tăng nhanh hơn, khiến chênh lệch giá lên tới 16 triệu đồng/lượng.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 71 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng thứ Bảy, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 2,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá mua vào 55,8 triệu đồng/lượng và 56,8 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty PNJ báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,2 triệu đồng/lượng và 72,9 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 15,8 triệu đồng/lượng, một mức chênh kỷ lục và vượt xa mức chênh hơn 13 triệu đồng/lượng vào tuần trước. Điều này cho thấy giá vàng trong nước đang tăng với tốc độ nhanh hơn cả giá vàng thế giới, dù tốc độ leo thang của giá vàng quốc tế đã vào hàng hiếm gặp.
Lúc gần 10h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.991,4 USD/oz, tăng 17,5 USD/oz, tương đương tăng gần 0,9% so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 55,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo giá USD bán ra tại ngân hàng Vietocombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Giá vàng đang trong xu hướng tăng mạnh do xung đột vũ trang Nga-Ukraine thúc đẩy nhu cầu nắm giữ các tài sản an toàn.
Bên cạnh đó, một hệ luỵ khác của xung đột này là khiến giá dầu thế giới leo thang chóng mặt, gây áp lực lạm phát lớn trên toàn cầu. Điều này càng có lợi cho giá vàng vì vàng là kênh đầu tư được ưa chuộng để chống lại sự mất giá của tiền giấy.
Tuần trước, giá vàng thế giới đã tăng hơn 4%. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng hơn 10%, còn giá vàng miếng SJC tăng khoảng 9,5 triệu đồng/lượng, tương đương tăng hơn 15%.
Kỷ lục mọi thời đại của giá vàng thế giới là mức hơn 2.000 USD/oz thiết lập vào tháng 8/2020. ở thời điểm đó, giá vàng miếng SJC bán lẻ vượt 61 triệu đồng/lượng.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy xung đột vũ trang Nga-Ukraine sẽ sớm xuống thang. Nói về tác động của cuộc khủng hoảng này với nền kinh tế toàn cầu, chúng ta sẽ thấy mối lo suy giảm tăng trưởng và áp lực lạm phát trở thành những chủ đề chính”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nói với trang Kitco News. “Điều đó sẽ dẫn tới nhu cầu tài sản an toàn ngày càng lớn, và vàng sẽ toả sáng”.
Bức tranh vĩ mô đang tạo điều kiện cho giá vàng đạt mốc 2.000 USD/oz, trong bối cảnh giá của các hàng hoá cơ bản khác, bao gồm dầu thô, palladium, nickel, lúa mì và ngô đồng loạt tăng vọt.
“Có quá nhiều hàng hoá cơ bản đang tăng giá và có thể tiếp tục tăng giá, cả lương thực, kim loại và năng lượng. Chúng ta sẽ chứng kiến giá cả còn leo thang trong tương lai gần”, ông Moya phát biểu.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London vào cuối tuần vừa rồi có lúc lên gần 140 USD/thùng, mức cao nhất kể từ khi giá dầu lập kỷ lục 150 USD/thùng vào năm 2008. Thị trường toàn cầu đang lo ngại khả năng phương Tây áp lệnh trừng phạt lên ngành năng lượng Nga – biện pháp được xem là khắc nghiệt nhất – bất chấp sự phụ thuộc của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung vào dòng chảy năng lượng từ Nga.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN vào ngày Chủ nhật, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Mỹ và các nước đồng minh đang xem xét cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga. “Chúng tôi đang trao đổi với các đối tác và đồng minh ở châu Âu để tìm ra một phương thức phối hợp nhằm cấm nhập khẩu dầu Nga nhưng vẫn đảm bảo được đầy đủ nguồn cung dầu cho thế giới”, ông Blinken nói. “Cuộc thảo luận này đang diễn ra rất tích cực”.
Đồng USD cũng đang được nhà đầu tư quốc tế gom mua mạnh. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác sáng nay vượt 99 điểm, tăng hơn 0,4% so với đóng cửa tuần trước. Trong tuần trước, chỉ số này đã tăng gần 2%.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.390 đồng (mua vào) và 23.450 đồng (bán ra), giảm 10 đồng ở cả hai đầu giá so với cuối tuần. Ngân hàng Vietcombank giữ nguyên báo giá USD ở mức 22.700 đồng và 22.980 đồng.