Giá vàng thế giới chững lại trong lúc nhà đầu tư chờ cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày thứ Ba và thứ Tư. Giới phân tích tiếp tục bày tỏ quan điểm bi quan về triển vọng giá vàng trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu, và “cá mập” SPDR Gold Trust tiếp tục bán ròng vàng.
Lúc gần 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.675,5 USD/oz, giảm 2,4 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai tại Mỹ. Trong phiên đêm qua tại New York, giá vàng tăng 1 USD/oz, chốt ở 1.677,9 USD/oz.
Giá vàng đang ở gần vùng đáy của 29 tháng, dưới sức ép từ triển vọng lãi suất tăng, từ tỷ giá đồng USD vững ở mức cao, và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Hôm thứ Sáu tuần trước, giá vàng có lúc tụt xuống vùng 1.660 USD/oz, thấp nhất kể từ tháng 4/2020.
Giới phân tích dự báo gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp vào ngày 21/9. Đây sẽ là lần thứ ba liên tiếp bước nhảy lãi suất “khủng” này được Fed áp dụng. Thị trường thậm chí cũng tính đến khả năng Fed nâng lãi suất tròn 1 điểm phần trăm trong lần họp này, nhưng khả năng đó là không lớn.
Do vàng là tài sản không mang lãi suất, nên lãi suất tăng thường gây áp lực mất giá lên vàng. Không chỉ Fed mà hàng loạt ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu cũng đang “chạy đua” tăng lãi suất để chống lạm phát.
Ngoài ra, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát của Fed cũng đẩy tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác biến động nhẹ trong khoảng 109,6-109,7 điểm trong phiên đêm qua và sáng nay. Tuần trước, chỉ số này đạt gần 111 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2002, tạo thêm áp lực mất giá lên vàng vì vàng được định giá bằng USD.
Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 3,51%, mức cao nhất trong 11 năm, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vì vàng là tài sản không có lãi suất.
“Vàng đang lình xình ở đáy, và nguyên nhân của tình trạng này là kỳ vọng về tuyên bố của Fed vào ngày thứ Tư”, chiến lược gia cấp cao Daniel Pavilonis của RJO Futures phát biểu với hãng tin CNBC.
“Nhà đầu tư không muốn đặt cược dài hạn vào giá vàng vì họ cho rằng ngay cả khi Fed có tạm dừng việc tăng lãi suất, thì điều đó cũng chẳng đảm bảo được rằng Fed đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda đánh giá trong một báo cáo.
“Lạm phát dai dẳng sẽ làm trầm trọng thêm dòng vốn chảy khỏi thị trường vàng. Phân tích của chúng tôi cho thấy giá vàng còn chưa phản ánh hết giai đoạn tiếp theo của chu kỳ tăng lãi suất”, chiến lược gia cấp cao Daniel Ghali của TD Securities nhận định trong một cuộc trao đổi với trang Kitco News. “Chúng tôi cho rằng dòng vốn rút khỏi vàng của các công ty quản lý tài sản và các quỹ ETF sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên giá vàng”.
Một báo cáo của công ty phân tích TD Securities khuyến nghị bán khống vàng, với mức giá mục tiêu là 1.580 USD/oz, và lệnh dừng lỗ được đưa ra ở mức 1.720 USD/oz.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng thêm 2,8 tấn vàng trong phiên đầu tuần, giảm nắm giữ còn gần 958 tấn, trị giá gần 51,3 tỷ USD. Trong vòng khoảng nửa tháng, quỹ đã bán khoảng 16 tấn vàng, tương đương giảm khoảng 1,6% khối lượng nắm giữ.
Lúc hơn 9h sáng, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 65,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,55 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 50,5 triệu đồng/lượng và 51,3 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng.
Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 65,8 triệu đồng/lượng và 66,6 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng qua.
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 23.530 đồng (mua vào) và 23.810 đồng (bán ra), tăng 15 đồng so với sáng qua. Trong tuần trước, giá USD tại ngân hàng này tăng 115 đồng ở cả hai đầu giá, phản ánh xu hướng tăng của đồng USD trên thị trường quốc tế.
Với tỷ giá USD bán ra như trên, giá vàng thế giới quy đổi tương đương khoảng 48,05 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng 18,6 triệu đồng/lượng.