April 12, 2010 | 11:08 GMT+7

Giá vàng tăng mạnh khi Hy Lạp được cứu

Kiều Oanh

Giá vàng trong nước đội thêm 100.000 đồng/lượng và có khả năng sắp sửa tái lập mốc 27 triệu đồng/lượng

Giới phân tích nhận định, vàng đang ở trong xu thế tăng giá mạnh - Ảnh: Bloomberg.
Giới phân tích nhận định, vàng đang ở trong xu thế tăng giá mạnh - Ảnh: Bloomberg.
Giá vàng thế giới mở cửa tuần giao dịch ở xu thế tăng nhờ đồng Euro tăng giá mạnh sau khi châu Âu thống nhất kế hoạch giải cứu Hy Lạp. Giá vàng trong nước đội thêm 100.000 đồng/lượng và có khả năng sắp sửa tái lập mốc 27 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng thế giới tiếp tục có những bước nhảy ấn tượng về giá trong phiên giao dịch sáng nay. Cùng với các loại hàng hóa cơ bản khác, vàng tăng giá nhờ sự hỗ trợ của tỷ giá Euro/USD. Giới đầu tư toàn cầu hứng khởi sau khi Liên minh châu Âu (EU) nhất trí sẽ chi 40 tỷ USD để đưa Athens thoát khỏi bờ vực vỡ nợ cấp quốc gia. Ngoài khoản vay này, Hy Lạp còn có thể được vay them 20 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Dao động trong khoảng 1.166-1.168 USD/oz tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay hiện tăng khoảng 4-6 USD/oz so với giá đóng cửa phiên cuối tuần trước tại thị trường New York.

Tỷ giá Euro/USD sáng nay đã tăng hơn 1,1%, lên mức 1 Euro đổi được hơn 1,36-1,37 USD.

Giới phân tích nhận định, vàng đang ở trong xu thế tăng giá mạnh. Nếu như tuần trước, vàng được hỗ trợ tích cực bởi hoạt động mua vào chống khủng hoảng của giới đầu tư, thì ở thời điểm hiện nay, vàng lại được nâng đỡ bởi sự phục hồi của Euro/USD. Ngoài ra, với tư cách một loại hàng hóa, vàng còn đang có triển vọng tăng giá tốt nhờ những tín hiệu phục hồi kinh tế tại Mỹ.

Về phương diện kỹ thuật, ngưỡng kháng cự hiện nay của giá vàng là mốc 1.170 USD/oz. “Nếu giá vàng không tăng được quá ngưỡng này, giới đầu tư có thể sẽ thực hiện chốt lãi, khiến giá vàng giảm và tạo ra một vùng giá hấp dẫn cho hoạt động mua vào”, ông Koichiro Kameil, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường Market Strategy Institute có trụ sở ở Tokyo, nhận xét với Reuters.

Hiện giá vàng thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Tuần trước, vàng tăng giá 3,1%.

Giá vàng trong nước giữa buổi sáng nay bật lên mức 26,65 triệu đồng/lượng từ mức 26,55 triệu đồng/lượng cuối tuần vừa rồi. Tuy nhiên, sự ảm đạm của thị trường vàng vật chất vẫn giữ giá vàng trong nước rẻ hơn giá vàng thế giới.

Giá vàng thế giới sáng nay quy đổi theo tỷ giá USD thị trường ngân hàng, cộng thêm thuế nhập khẩu và các chi phí khác, tương ứng với mức 27,10 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng bán ra trong nước chừng 450.000 đồng/lượng.

Các công ty kim hoàn sáng nay áp dụng mức chênh lệch giá mua/bán vàng rất hẹp, phổ biến 20.000-50.000 đồng/lượng.

Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC giao dịch tại Phú Quý lúc 10h45 đứng ở mức 26,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 26,65 triệu đồng/lượng (bán ra).

Hệ thống Sacombank cùng thời điểm công bố giá vàng SBJ ở các mức tương ứng lần lượt là 26,64 triệu đồng/lượng và 26,66 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM, giá vàng SJC do SJC niêm yết trên website công ty là 26,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 26,67 triệu đồng/lượng (bán ra).

Theo dự báo của một số doanh nghiệp vàng bạc đá quý, giá vàng thế giới sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong ngày hôm nay, với biên độ 1.160-1.175 USD/oz. Với đà tăng này của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước có khả năng tái lập mốc 27 triệu đồng/lượng trong một vài phiên tới.
Giá dầu thô thế giới sáng nay tăng khá mạnh nhờ Euro lên giá. Giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 5 đã tăng lên mức 85,50 USD/thùng, từ mức dưới 85 USD/thùng cuối tuần trước.

Tỷ giá USD/VND thị trường tự do sáng nay giảm nhẹ so với thứ Sáu tuần trước. Tại Hà Nội, giá USD “chợ đen” sáng nay phổ biến ở mức 19.070 VND/USD (mua vào) và 19.100 VND/USD (bán ra).

Tại Vietcombank, giá mua và bán USD duy trì ở các mức lần lượt là 19.000 VND/USD và 19.080 VND/USD. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục duy trì ở mức 18.544 VND/USD.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate