Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 56,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,6 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối tuần.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 50,6 triệu đồng/lượng và 51,4 triệu đồng/lượng, giá mua tăng 200.000 đồng/lượng và giá bán đi ngnag so với cuối tuần.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thuơng hiệu ở mức 56,35 triệu đồng/lượng và 57 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối tuần.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng bán lẻ đang cao hơn 8,5-9,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.760,9 USD/oz, tăng 9,7 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại thị trường New York, tương đương tăng gần 0,6%. Mức giá này tương đương 48,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Vietcombank sáng nay niêm yết giá USD ở mức 22.660 đồng (mua vào) và 22.860 đồng (bán ra), giảm 10 đồng so với hôm thứ Sáu.
Tuần trước, cho dù nỗi lo về cuộc khủng hoảng nợ ở công ty địa ốc Trung Quốc Evergrande gây sóng gió trên thị trường tài chính toàn cầu, giá vàng vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc giữ mốc 1.750 USD/oz.
Tuần này, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ hướng tới cuộc thảo luận trần nợ của Mỹ. Gần đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đều nói đến tính cấp bách của việc nâng trần nợ quốc gia, vì nếu trần nợ không nâng, Chính phủ Mỹ có thể rơi vào cảnh hết tiền và phải đóng cửa vào một thời điểm nào đó trong tháng 10.
Bất kỳ trở ngại nào đối với việc nâng trần nợ của Mỹ cũng có thể đẩy giá vàng tăng trong tuần tới, theo chiến lược gia Edward Moya của Oanda. “Có một số lo ngại rằng trần nợ sẽ không được nâng kịp thời. Nhưng xét cho cùng, trần nợ kiểu gì cũng được nâng. Nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục tăng, đó sẽ tiếp tục là một nguồn áp lực giảm lớn đối với giá vàng”, ông Moya nói.
Nếu có một giải pháp thuận lợi cho vấn đề trần nợ và nguy cơ Chính phủ Mỹ phải đóng cửa bị đảo ngược, thị trường chứng khoán Mỹ có thể tăng điểm mạnh, thậm chí tái lập kỷ lục. Trong trường hợp đó, vàng có thể bị bán tháo và giá sẽ tụt dưới 1.700 USD/oz, vị chiến lược gia dự báo.
Theo ông Moya, cho đến khi vàng phát huy tốt vai trò chống lạm phát, giá kim loại quý này còn ở trong trạng thái mong manh.
Cùng quan điểm kém lạc quan về giá vàng, chiến lược gia trưởng Bart Melek của TD Securities nói rằng với việc Chủ tịch Fed xác nhận khả năng bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản trong tháng 11, giá vàng đang đối mặt áp lực giảm lớn.
Tuy nhiên, theo ông Melek, môi trường hiện nay vẫn thuận lợi đối với vàng và khó có khả năng xảy ra một đợt bán tháo. “Kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, kinh tế Mỹ khó tránh được việc tăng trưởng chậm lại. Mà mục tiêu lớn nhất hiện nay của Fed là tạo việc làm đầy đủ, nên họ sẽ phải chấp nhận lạm phát cao hơn mục tiêu. Fed sẽ phải giữ lãi suất ở mức thấp trong một thời gian dài nữa.
Ngoài ra, khi nói về việc chương trình mua tài sản, ông Powell chỉ nói về việc cắt giảm chứ không nói đến việc bán những tài sản mà Fed đã mua trong chương trình. Đây là một điểm có lợi cho giá vàng, theo ông Melek. “Lãi suất sẽ ở mức thấp, một điều không hề tệ đối với vàng. Liệu giá vàng có tăng mạnh không? Có lẽ là không. Nhưng tôi cũng không cho là giá vàng sẽ giảm mạnh. Tôi nghĩ giá vàng sẽ hồi phục một khi việc cắt giảm chương trình mua tài sản bắt đầu”, ông Melek nhận định.
Ông Melek cũng cho rằng mốc 1.700 USD/oz là ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của giá vàng. “Mốc này có thể bị thử thách bất kỳ lúc nào, nhất là nếu các báo cáo kinh tế tuần tới khả quan hơn dự báo. Kháng cự vẫn là mốc 1.800 USD/oz”, ông nói.