Giá vàng thế giới tăng mạnh ngày thứ Tư (11/8), đánh dấu hai phiên tăng liên tiếp đầu tiên trong vòng khoảng 1 tháng trở lại đây và là phiên tăng mạnh nhất trong 2 tuần, sau khi nhà đầu tư đón nhận báo cáo lạm phát cho thấy giá cả ở Mỹ không quá “nóng”.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 23 USD/oz, tương đương tăng hơn 1,3%, đạt 1.752,8 USD/oz. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tăng 21,6 USD/oz, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 1.753 USD/oz.
Trước đó, cả giá vàng giao ngay và giao sau cùng tăng nhẹ trong phiên ngày thứ Ba. Theo dữ liệu của FactSet, từ hôm 15/7 tới nay, chưa khi nào giá vàng có hai phiên tăng nối tiếp nhau như lần này. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất của giá kim loại quý này kể từ hôm 29/7.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất 20 năm, so với mức dự báo tăng 5,3% mà các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát đưa ra trước đó. Nếu so với tháng 6, CPI tháng 7 tăng 0,5%, thấp hơn mức tăng 0,9% của tháng 6 và cũng nằm trong kỳ vọng.
Lạm phát lõi - chỉ số được nhà đầu tư chú trọng hơn - cho thấy lạm phát ở Mỹ có thể đã qua đỉnh. Không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, CPI lõi tháng 7 tăng 0,3% so với tháng 6, thấp hơn mức dự báo tăng 0,4%. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi tăng 4,3%, giảm từ mức đỉnh 29 năm là 4,5% thiết lập trong tháng 6.
Sau báo cáo này, tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng giảm, mở đường cho giá vàng bật tăng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trượt về 1,32%, từ mức 1,34% trong phiên trước đó. Chỉ số Dollar Index giảm khoảng 0,3%, về 92,9 điểm, từ mức trên 93 điểm trong phiên trước.
“Lợi suất giảm và đồng USD yếu đi giúp làm nhẹ bớt áp lực giảm đối với giá vàng. Nhờ đó, vàng tìm được đường quay lại ngưỡng 1.750 USD/oz”, nhà phân tích cấp cao Craig Erlam thuộc Oanda nhận định với trang MarketWatch.
Bản báo cáo lạm phát củng cố quan điểm của Fed rằng áp lực lạm phát cao chỉ là vấn đề tạm thời khi nền kinh tế Mỹ hồi phục sau đợt suy thoái do đại dịch gây ra. Nhờ đó, thị trường giảm bớt mối lo về việc Fed có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự báo. Nếu Fed thắt chặt sớm, giá vàng sẽ phải đương đầu với sức ép giảm mạnh do vàng là kênh đầu tư không mang lãi suất.
Dù vậy, một số quan chức Fed với quan điểm cứng rắn vẫn muốn ngân hàng trung ương này hành động sớm. Trong một cuộc trao đổi với CNBC ngày 11/8, Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, ông Robert Kaplan, nói Fed nên bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản vào tháng 10.
Trước đó cùng ngày 11/8, Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas, bà Esther George, cũng nói đã đến lúc kết thúc chương trình mua tài sản của Fed.
Tuy nhiên, vào hôm thứ Ba, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Charles Evans, nói Fed nên đợi thêm một thời gian nữa mới cắt giảm chương trình mua tài sản.
Ông Kaplan và bà George không phải là thành viên có quyền bỏ phiếu trong Uỷ ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan quyết định chính sách trong Fed. Ông Evans là một thành viên có quyền bỏ phiếu của FOMC.
Sáng nay (12/8), giá vàng thế giới giảm nhẹ, duy trì ngưỡng 1.750 USD/oz. Lúc gần 9h, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.751,8 USD/oz, giảm 1 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York.
Mức giá này tương đương gần 48,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank và chưa tính chi phí liên quan.
Tỷ giá USD của Vietcombank hôm nay tiếp tục giảm sốc. So với hôm qua, tỷ giá niêm yết trên website của ngân hàng này giảm thêm 50 đồng, còn 22.710 đồng (mua vào) và 22.910 đồng (bán ra). Trong vòng 1 tuần trở lại đây, Vietcombank đã giảm tỷ giá USD 110 đồng.
Giá vàng miếng trong nước sáng nay cũng tăng và đang chênh cao hơn giá vàng thế giới quy đổi gần 9 triệu đồng/lượng.
Công ty SJC báo giá vàng miếng SJC loại từ 1 đến 10 lượng cho thị trường Tp.HCM ở mức 56,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,1 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Doanh nghiệp này báo giá vàng miếng cho thị trường Hà Nội ở mức 56,4 triệu đồng/lượng và 57,12 triệu đồng/lượng.