Giá vàng thế giới tăng lên sát mốc chủ chốt 1.800 USD/oz trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng giá vàng miếng trong nước sáng nay có nơi (10/12) đi xuống. Nhìn chung, tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường vàng đang thận trọng trước cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.
Đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 1.798,9 USD/oz, tăng 8,4 USD/oz, tương đương tăng gần 0,5%, chốt ở 1.798,9 USD/oz.
Giá vàng tăng ngay cả khi tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng phiên này. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt tuần ở mức hơn 104,9 điểm, tăng gần 0,4% từ mức 104,5 điểm của phiên trước. Tính cả tuần, chỉ số tăng gần 0,4% nhưng tính trong vòng 1 tháng trở lại đây, chỉ số đã giảm gần 1,3% - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
Đồng USD gần đây yếu đi do thị trường đang đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ diễn ra trong 2 ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Đây sẽ là một sự giảm tốc sau 4 lần liên tiếp Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm.
“Thị trường có vẻ như đang nhận thấy một tia sáng cuối đường hầm. Họ hy vọng rằng Fed đang tiến gần hơn tới việc kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Và điều này nhìn chung hỗ trợ giá vàng”, nhà giao dịch kim loại quý David Meger thuộc High Ridge Future nhận định.
Trong phiên này, giá vàng còn được hỗ trợ bởi động thái của quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust. Quỹ này mua ròng hơn 2 tấn vàng, nâng mức nắm giữ lên 910,4 tấn. Cả tuần, quỹ mua ròng khoảng 5 tấn vàng, sau khi bán ròng 3,5 tấn vàng trong tuần trước.
Tuy nhiên, mức tăng của giá vàng bị hạn chế vì nhiều nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ tăng lãi suất lên mức cực đại cao hơn so với dự kiến ban đầu và sẽ duy trì ở mức đó trong một thời gian nhất định cho tới khi lạm phát thực sự được khống chế.
Nỗi lo này là có cơ sở khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (PPI) công bố ngày thứ Sáu cho thấy mức tăng cao hơn dự báo. PPI toàn phần tăng 0,3% trong tháng 11 so với tháng 10 và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. PPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, cũng vượt dự báo.
Tuần tới, ngoài cuộc họp của Fed, các số liệu kinh tế sẽ tiếp tục là tâm điểm hút sự chú ý của nhà đầu tư, đặc biệt là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Ba. Thị trường kỳ vọng số liệu này sẽ cho thấy lạm phát tiếp tục xuống thang, nên bất kỳ sự tăng ngoài dự báo nào cũng có thể gây áp lực giảm lớn lên giá vàng.
“Nếu CPI tăng nóng, Fed rất có thể sẽ tăng lãi suất liên tiếp với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm trong vài đợt nữa trước khi có thể tạm dừng. Như vậy, vàng nhiều khả năng sẽ để mất một phần thành quả tăng có được trong 1 tháng qua”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận định.
Tuần này, giá vàng gần như đi ngang. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá vàng đã tăng khoảng 5%.
Lúc hơn 9h sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,05 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm tương ứng 150.000 đồng/lượng và 250.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 53 triệu đồng/lượng và 53,9 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,45 triệu đồng/lượng và 67,25 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Báo giá USD tại ngân hàng Vietcombank chốt tuần ở mức 23.420 đồng (mua vào) và 23.700 đồng (bán ra), giảm 50 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Tuần này, giá USD tại Vietcombank đã giảm 540 đồng, phù hợp với xu hướng mất giá gần đây của đồng USD trên thị trường quốc tế. Trong vòng 2 tuần, giá USD niêm yết tại ngân hàng này đã giảm 1.140 đồng ở chiều bán ra.