April 19, 2024 | 09:07 GMT+7

Giá vàng thế giới bật tăng trở lại, trong nước vượt 84 triệu đồng/lượng

Điệp Vũ -

Dù vậy, mốc 2.400 USD/oz đang chứng tỏ là một ngưỡng cản mạnh khi giá vàng đương đầu với áp lực giảm từ triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn ở Mỹ...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (18/4), khi nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro địa chính trị Trung Đông duy trì ở mức cao. Dù vậy, mốc 2.400 USD/oz đang chứng tỏ là một ngưỡng cản mạnh khi giá vàng đương đầu với áp lực giảm từ triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn ở Mỹ.

Trong nước, giá vàng sáng nay (19/4) tăng trở lại mốc 84 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng và 77 triệu đồng/lượng đối với vàng nhẫn.

Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 17,7 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Tư, tương đương tăng 0,75%, chốt ở mức 2.378,9 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.

Trước đó, giá vàng đã giảm 0,9% trong phiên ngày thứ Tư. Tuần trước, giá vàng thế giới lập kỷ lục trên 2.430 USD/oz rồi nhanh chóng trượt dưới 2.400 USD/oz do thiếu lực hỗ trợ mới.

Nhà đầu tư vẫn đang dõi theo căng thẳng ở Trung Đông - nhân tố quan trọng đẩy giá vàng liên tục lập kỷ lục thời gian gần đây. Đến hiện tại, Israel vẫn chưa có động thái đáp trả nào sau cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ của Iran vào lãnh thổ nước này vào cuối tuần vừa rồi. Nỗi lo về một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở Trung Đông tạm thời lắng dịu.

“Khi có căng thẳng địa chính trị, phản ứng tự nhiên của nhà đầu tư là đổ xô mua vàng, đúng như những gì đã xảy ra gần đây. Nếu xung đột leo thang cao hơn, giá vàng có thể lên tới vùng 2.500-2.600 USD/oz. Nhưng nếu có ngừng bắn, giá vàng có thể giảm về 2.200 USD/oz”, trưởng phân tích Everett Millman của công ty Gainesville Coins nhận định với hãng tin Reuters.

“Xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương cũng đang đặt ra một tấm nệm đỡ đối với giá vàng”, ông Millman nói thêm.

Một yếu tố không thuận lợi đối với giá vàng ở thời điểm hiện tại là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc giảm lãi suất. Sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ có thể dẫn tới lạm phát dai dẳng, buộc Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn so với dự kiến ban đầu. Sự dịch chuyển trong kỳ vọng lãi suất cũng khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ  và tỷ giá đồng USD tăng mạnh, gia tăng áp lực mất giá đối với vàng.

Nhà phân tích Xiao Fu của ngân hàng Bank of China International (BOCI) nói rằng với kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất đã giảm bớt và nhu cầu chốt lời của nhà đầu tư khi giá vàng đã tăng nhanh thời gian qua, giá vàng có thể đối mặt với áp lực giảm trong ngắn hạn nhưng ít có khả năng giảm sâu.

Đầu giờ sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 82,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 84,1 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 400.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý được Phú Quý báo giá ở mức 75,3 triệu đồng/lượng và 77 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, tăng 400.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thuơng hiệu ở mức 81,8 triệu đồng/lượng và 83,8 triệu đồng/lượng.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu SJC có giá mua vào là 74,7 triệu đồng/lượng và giá bán ra là 76,6-76,7 triệu đồng/lượng tuỳ trọng lượng sản phẩm.

Lúc gần 9h theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 2.379,4 USD/oz, tăng 0,5 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Mức giá này tương đương khoảng 73 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.

Đồng USD trên thị trường quốc tế vững giá, với chỉ số Dollar Index duy trì trên mốc 106 điểm, cao nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây.

Vietcombank lúc đầu giờ sáng nay báo giá USD ở mức 25.103 đồng (mua vào) và 25.473 đồng (bán ra).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate