October 19, 2022 | 10:38 GMT+7

Giá vàng thế giới chững, trong nước lại “nhảy” qua mốc 67 triệu đồng/lượng

Điệp Vũ -

“Giá vàng đang có được sự giải toả áp lực từ việc lợi suất trái phiếu và đồng USD suy yếu. Sức ép bán tháo đối với vàng chưa quay trở lại. Ít nhất, giá vàng đang ổn định”...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg

Giá vàng thế giới giằng co nhẹ do được hỗ trợ bởi sự xuống giá của đồng USD và tiếp tục chịu áp lực giảm từ chủ trương tăng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá vàng miếng trong nước sáng nay (19/10) bật tăng qua mốc 67 triệu đồng/lượng.

Lúc gần 10h, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,2 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 51,8 triệu đồng/lượng và 52,7 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,2 triệu đồng/lượng và 67,2 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 18,3 triệu đồng/lượng, từ mức chênh 18,2 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.

Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.651,4 USD/oz, giảm 2 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương 48,9 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 2,9 USD/oz, tương đương tăng gần 0,2%, chốt ở 1.653,4 USD/oz.

Phiên này, giá vàng tiếp tục được hỗ trợ bởi đà giảm của tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ từ hôm thứ Hai.

“Giá vàng đang có được sự giải toả áp lực từ việc lợi suất trái phiếu và đồng USD suy yếu. Sức ép bán tháo đối với vàng chưa quay trở lại. Ít nhất, giá vàng đang ổn định”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận định với hãng tin Reuters.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm về mức thấp nhất kể từ hôm 6/10. Sáng nay, chỉ số này dao động trên ngưỡng 112 điểm, không có nhiều thay đổi so với sáng hôm qua.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhẹ nhưng vẫn giữ trên mốc 4%.

Giá vàng vẫn chưa thoát khỏi áp lực giảm do thị trường còn kỳ vọng Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát. “Xét cho cùng, nhân tố tác động chính lên giá vàng chính là chu kỳ tăng lãi suất của Fed”, ông Moya nói.

Triển vọng lãi suất Fed còn tăng lên cao hơn và duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn đã được củng cố trong tuần trước, sau khi các báo cáo thống kê cho thấy lạm phát ở Mỹ vẫn nóng. Thị trường đang đặt cược khả năng gần 100% Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11.

Theo chiến lược gia Bart Melek của TD Securities, mức giá hỗ trợ tiếp theo của vàng là 1.615 USD/oz, tiếp đó là 1.580 USD/oz. Ngưỡng kháng cự sẽ là các mốc 1.700-1.707-1.711 USD/oz.

Từ năm 2019 đến nay, giá vàng không có nhiều thời gian ở dưới mức 1.600 USD/oz. Điều này khiến một số nhà phân tích lo ngại về việc giá vàng có thể giảm tới đâu nêu mức giá đó bị phá.

“Nếu giảm dưới 1.620 USD/oz, giá vàng có thể rớt về 1.600 USD/oz. Nếu mốc 1.600 USD/oz bị phá… bán tháo sẽ dữ dội vì không có nhiều ngưỡng hỗ trợ dưới 1.600 USD/oz từ năm 2019 đến nay. Giá có thể giảm về 1.575 USD/oz”, ông Moya nói.

Theo chiến lược gia này, nếu tuần tới có thông tin vĩ mô xấu, giá vàng có thể hưởng lợi, và ngưỡng cản trên đầu tiên sẽ là 1.675 USD/oz. “Tin xấu kinh tế sẽ là tin tốt cho giá vàng”, ông Moya nhấn mạnh.

Báo giá USD tại Vietcombank sáng nay là 24.300 đồng (mua vào) và 24.580 đồng (bán ra), tăng 120 đồng so với sáng qua. So với cuối tuần trước, giá USD niêm yết tại ngân hàng này hiện đã tăng thêm 350 đồng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate