March 29, 2022 | 10:45 GMT+7

Giá vàng thế giới lao dốc mạnh, trong nước giảm cầm chừng

Điệp Vũ -

Giá vàng thế giới giảm mạnh do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, nhưng giá vàng miếng trong nước sáng nay (29/3) không phản ánh hết mức giảm của giá vàng quốc tế. Chênh lệch vì thế tiếp tục kéo giãn...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 68,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,3 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,1 triệu đồng/lượng và 56,05 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,7 triệu đồng/lượng và 69,4 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ sáng nay cao hơn 15,8-15,9 triệu đồng/lượng, từ chỗ chênh 15,5-15,6 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua. Chênh lệch kéo giãn do giá vàng miếng trong nước giảm ít hơn giá vàng quốc tế.

Tại nhiều thị trường vàng chủ chốt của khu vực châu Á, giá vàng đang ngang bằng, thậm chí thấp hơn do với giá vàng quốc tế do nhu cầu trầm lắng. Theo hãng tin Reuters, trong tuần trước, giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ thấp hơn 53 USD/oz so với giá vàng chính thức (tính bằng giá quốc tế cộng thuế nhập khẩu 10,75% và thuế tiêu thụ 3%). Tại Trung Quốc đại lục, giá vàng bán lẻ tuần trước thấp hơn 5 USD/oz so với giá thế giới.

Tại Hồng Kông, giá vàng bán lẻ tuần trước dao động từ thấp hơn 0,8 USD/oz cho tới cao hơn 2 USD/oz so với giá quốc tế. Tại Singapore, giá vàng cao hơn 1,2-1,5 USD/oz so với giá thế giới. Tại Nhật Bản, giá vàng dao động từ thấp hơn 0,5 USD/oz đến cao hơn 0,5 USD/oz so với giá quốc tế.

Lúc hơn 10h, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.928,3 USD/oz, tăng 4,7 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ. Mức giá này tương đương 53,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Trong phiên New York ngày thứ Hai, giá vàng giảm 35,8 USD/oz, tương đương giảm 1,8%, còn 1.923,6 USD/oz.

Vàng chịu áp lực giảm mạnh từ đà leo thang của trái phiếu kho bạc Mỹ và đồng USD mạnh lên. Trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2019 do dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD sáng nay đã vượt ngưỡng 99 điểm, từ mức 98,7 điểm vào sáng qua. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, chỉ số này đã tăng gần 1,7%.

Vàng là kênh đầu tư chống lạm phát hiệu quả, nhưng lãi suất tăng không có lợi cho vàng vì vang không mang lãi suất. Đồng USD tăng giá cũng gây áp lực giảm giá vàng, vì vàng được định giá bằng USD.

Tuy nhiên, theo nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff thuộc Kitco News, mức giảm giá của vàng sẽ được hạn chế vì mối lo lạm phát. “Lịch sử cho thấy bất kỳ khi nào áp lực lạm phát tăng như hiện nay, vàng đều được ưa chuộng. Tôi cho rằng lần này cũng vậy”, ông Wyckoff nói.

Giá vàng còn đang tạm thời gặp bất lợi vì hy vọng vào tiến trình đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine. Vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên sau hơn hai tuần có thể diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày thứ Ba.

“Giá vàng đã phản ánh phần lớn rủi ro do chiến tranh gây ra, nhưng cũng có thể tăng thêm được một chút nữa. Có thể nói rằng, giá vàng hiện đang đương đầu một số trở ngại lớn để tăng mạnh”, nhà phân tích độc lập Ross Norman nhận định.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.370 đồng (mua vào) và 23.420 đồng (bán ra), tăng tương ứng 20 đồng và 10 đồng so với sáng qua.

Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.740 đồng và 23.020 đồng, tăng 15 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate