Lúc hơn 9h sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,9 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ, đứng ở 1.999,6 USD/oz. Trước đó, có thời điểm giá vàng tăng lên mức 2.005 USD/oz - theo dữ liệu từ trang Kitco.
Nếu quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương xấp xỉ 57 triệu đồng/lượng, bằng với mức của sáng hôm qua.
Cùng thời điểm hơn 9h, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn Phú Quý là 66,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,05 triệu đồng/lượng (bán ra), không thay đổi ở cả hai đầu giá so với sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 55,7 triệu đồng/lượng và 56,7 triệu đồng/lượng, đi ngang so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,45 triệu đồng/lượng và 67,05 triệu đồng/lượng, cũng không thay đổi so với hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 10,05 triệu đồng/lượng, bằng với chênh lệch của sáng hôm qua.
Trong phiên ngày thứ Ba tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 8,8 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,4%, chốt ở mức 1.998,7 USD/oz.
Vàng tăng giá nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh và do nhu cầu phòng ngừa rủi ro tăng cao. Cả vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ đều được nhà đầu tư mua mạnh trong phiên ngày thứ Ba để tìm kiếm sự an toàn.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một phiên bán tháo, với cả ba chỉ số chính cùng giảm hơn 1%, dưới áp lực đến từ mối lo suy thoái kinh tế.
Số liệu công bố ngày thứ Ba cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng. Dự báo bi quan về doanh thu cả năm của hãng dịch vụ vận tải United Parcel Service (UPS) - công ty vốn được xem là một “hàn thử biểu” về tình trạng sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ - càng khiến nhu cầu phòng ngừa rủi ro gia tăng.
Ngoài ra, việc giá cổ phiếu First Republic Bank “bốc hơi” gần 50% trong phiên ngày thứ Ba sau khi ngân hàng này tiết lộ bị khách hàng rút 100 tỷ USD trong quý 1 cũng khiến nhà đầu tư lo lắng về khả năng bùng phát trở lại của cuộc khủng hoảng ngân hàng.
Trong khi đó, thị trường vẫn đặt cược khả năng gần như chắc chắn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Kỳ vọng này đưa đồng USD tăng giá, hạn chế bớt đà tăng của giá vàng. Ngoài ra, cùng với vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ, đồng bạc xanh cũng phát huy vai trò “hầm trú ẩn” trong phiên này.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng 0,5%. Sáng nay, chỉ số giảm nhẹ, dao động trên ngưỡng 101,8 điểm.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong thời gian còn lại của tuần này hướng đến báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Năm và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu. Cả hai số liệu này đều được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều đến các quyết sách tiếp theo của Fed, từ đó tác động đến giá các tài sản.
“Fed sẽ cố gắng nhiều nhất có thể để giữ lãi suất ở mức cao nhằm khống chế lạm phát. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với áp lực đặt ra đối với nền kinh tế sẽ tăng lên”, trưởng phân tích Everett Millman của Gainesville Coins nhận định. “Cho dù Fed có ra quyết định như thế nào, kết quả sẽ là sức ép đối với thị trường. Giá vàng đang rất nhạy cảm với sự bấp bênh đó”.
Tâm lý nhà đầu tư còn đang bị ảnh hưởng sau lời cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen rằng nếu Quốc hội Mỹ không nâng được trần nợ Chính phủ, đó sẽ là một “thảm hoạ kinh tế” khiến lãi suất tăng cao trong những năm sắp tới.
Trong phiên ngày thứ Ba, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust mua ròng thêm gần 3 tấn vàng, nâng khối lượng nắm giữ lên hơn 930 tấn vàng. Trong hai phiên đầu tuần, quỹ này mua ròng hơn 6,7 tấn vàng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.310 đồng (mua vào) và 23.650 đồng (bán ra), không thay đổi so với sáng hôm qua.