Giá vàng thế giới tăng nhẹ phiên đêm qua và tiếp tục đi lên trong phiên sáng nay (20/7), nhưng giá vàng miếng trong nước đi ngang. Giá USD tự do giảm khá mạnh ở chiều mua vào nhưng tăng ở chiều bán ra, trong khi giá USD tại một số ngân hàng thương mại đi ngang.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 56,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,5 triệu đồng/lượng (bán ra), không thay đổi so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 56,9 triệu đồng/lượng và 57,55 triệu đồng/lượng, cũng đi ngang so với cùng thời điểm ngày hôm qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 6,8 triệu đồng/lượng, từ chỗ chênh 7 triệu đồng/lượng vào sáng qua.
Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác tăng-giảm tuỳ nơi, với mức biến động phổ biến từ vài chục đến 100.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá mua vào là 51,4 triệu đồng/lượng và bán ra là 52,2 triệu đồng/lượng, giá mua vào không đổi nhưng giá bán ra tăng 100.000 đồng/lượng.
Giá nhẫn tròn Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu giảm 70.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, còn 51,51 triệu đồng/lượng, nhưng giá bán ra giữ nguyên ở mức 52,21 triệu đồng/lượng.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.220 đồng (mua vào), giảm 30 đồng so với sáng qua, và 23.300 đồng (bán ra), tăng 10 đồng.
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 22.920 đồng và 23.120 đồng, không thay đổi so với hôm qua.
Lúc gần 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.818,1 USD/oz, tăng 4,5 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương 50,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Trong phiên Mỹ, giá vàng tăng 0,4 USD/oz, chốt ở 1.813,6 USD/oz.
Giá vàng nhận được sự hỗ trợ từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh và phiên “đỏ lửa” trên thị trường chứng khoán Phố Wall trong bối cảnh biến chủng Delta của Covid-19 lây lan mạnh trên toàn cầu. Tuy nhiên, đồng USD tăng giá lại gây áp lực giảm lên giá vàng.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc giảm còn 1,176%, mức thấp nhất kể từ tháng 2, trước khi đóng cửa ở mức 1,177%. Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm gần 2,1%, mạnh nhất trong hơn 2 tháng.
Trong khi đó, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng lên mức gần 92,9 điểm, cao nhất 3 tháng rưỡi, từ mức 92,7 điểm của phiên trước.
Trong bối cảnh bấp bênh do dịch bệnh, vàng có thể phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn. Tuy nhiên, vai trò này của vàng đang bị lấn át bởi đồng USD và Yên Nhật. Theo hãng tin Reuters, các nhà đầu tư đang mua mạnh đồng bạc xanh và Yên để tìm kiếm một “vịnh tránh bão” trong bất ổn của thị trường tài chính.
“Điều khiến thị trường lo ngại nhất lúc này là làn sóng lây nhiễm ở các nước phát triển với tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao”, nhà phân tích Tapas Strickland thuộc National Australia Bank nhận định. “Như vậy có nghĩa là các biện pháp hạn chế để chống dịch có thể phải áp dụng lâu hơn, gây trở ngại cho phục hồi kinh tế toàn cầu”.