Giá USD tự do cũng đi xuống so với trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 61,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 61,7 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối tuần, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này hiện giảm 100.000 đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 52,5 triệu đồng/lượng và 53,2 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua vào và bán ra.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 61 triệu đồng/lượng và 61,75 triệu đồng/lượng.
Nếu so với trước nghỉ lễ, giá vàng trong nước hiện tăng 200.000-300.000 đồng/lượng, nhờ phiên tăng khá mạnh của giá vàng quốc tế vào hôm thứ Sáu - phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 11,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.826,9 USD/oz, giảm 3,9 USD/oz so với đóng cửa phiên cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương hơn 50,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Trong phiên Mỹ hôm thứ Sáu, giá vàng giao ngay 15,3 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,8%, chốt ở 1.830,8 USD/oz.
Cả năm 2021, giá vàng miếng SJC tăng gần 6 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới giảm khoảng 4%. Đây là năm giảm mạnh nhất của giá vàng thế giới kể từ năm 2015, dưới áp lực từ đồng USD mạnh và giới đầu tư chuẩn bị tâm lý cho việc các ngân hàng trung ương tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát cho dù đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành mạnh.
Theo dữ liệu từ MarketWatch, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đã tăng khoảng 6,7% trong năm 2021, đánh dấu năm tăng mạnh nhất kể từ 2015.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022, và kỳ vọng này đã đưa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, gây áp lực mất giá lên vàng – một tài sản không mang lãi suất. Từ mức hơn 0,9% vào đầu năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lập đỉnh của năm ở mức hơn 1,7% vào tháng 3 và kết thúc năm ở mức hơn 1,5%.
Ngoài ra, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu trong 2021 cũng thúc đẩy nhu cầu nắm giữ các tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu. Cả năm, chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng khoảng 27%.
Một số phân tích dự báo giá vàng có khả năng tăng trong năm 2022 do nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa lạm phát. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thắt lại và lãi suất tăng sẽ là một trở ngại không nhỏ đối với giá kim loại quý này.
“Nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm 2% trong năm 2022, vàng sẽ chịu áp lực giảm giá mạnh”, nhà phân tích Warren Venketas của DailyFX nhận định.
Theo nhà phân tích Han Tan của Exinity, bước sang năm 2022, nỗi lo về biến chủng Omicron của Covid-19 sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng, trong khi lợi suất tăng sẽ khiến sức hút của vàng giảm bớt. Ông Han cho rằng “vàng có thể nhận được nhiều chất xúc tác để tăng trong năm nay, chẳng hạn một sai lầm chính sách của Fed, lạm phát cao dai dẳng, hoặc căng thẳng địa chính trị bùng mạnh”.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.440 đồng (mua vào) và 23.510 đồng (bán ra), giảm tương ứng 30 đồng và 20 đồng so với trước nghỉ lễ.