Những nhân tố bất lợi đối với giá vàng trong quý 1/2021 đã đảo chiều, và giá kim loại quý này dường như đang đứng trước cơ hội bước vào một đợt tăng giá mới - theo nhận định của giới chuyên môn.
Trao đổi với trang Kitco News, nhiều chuyên gia nói rằng giá vàng đã vượt qua một số ngưỡng kháng cự chủ chốt quan trọng và hoàn toàn có thể tái lập mốc 1.800 USD/oz trong tuần tới.
"Diễn biến giá vàng đang chịu sự chi phối chủ yếu của USD, đồng tiền đang tiếp tục mất giá. Chỉ số Dollar Index hiện chỉ còn 91,5 điểm. Một yếu tố nữa rất đáng lưu tâm là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm nhanh. Tất cả đều hỗ trợ cho giá vàng tăng", chiến lược gia Bart Melek của TD Securities nhận định.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt tuần ở mức 91,5 điểm, giảm gần 0,7% trong tuần. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,59%, thấp nhất 1 tháng, từ mức 1,655% vào đầu tuần.
Giá vàng giao ngay tại New York đóng cửa tuần ở mức 1.777,5 USD/oz, cao nhất 7 tuần. Tính cả tuần này, giá vàng tăng khoảng 2%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 12. Tuần trước, giá vàng tăng khoảng 1%.
Trước đó, trong quý 1, giá vàng thế giới "bốc hơi" 10% do cả đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đồng loạt tăng mạnh. Nguyên do là sự phục hồi kinh tế Mỹ diễn ra tích cực, khiến giới đầu tư lo ngại lạm phát sẽ trỗi dậy và buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.
Nhà môi giới Daniel Pavilonis của RJO Futures cũng đưa ra một quan điểm lạc quan về triển vọng giá vàng tuần tới.
"Một khi vượt được mức 1.815 USD/oz, giá vàng sẽ có đà để tăng cao hơn", ông Pavilonis nói. "Thị trường đã bình tĩnh lại về vấn đề lãi suất. Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã rất cố trấn an mối lo của nhà đầu tư về lợi suất, và họ đã thành công. Khi thị trường bớt lo về lợi suất, cánh cửa tăng giá cho vàng được mở ra".
Tương tự, nhà phân tích Han Tan của FXTM cho rằng sự suy yếu của đồng USD cuối cùng đã giúp vàng bứt phá khỏi một vùng biên độ hẹp. "Tiếp đó, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trượt dưới ngưỡng tâm lý quan trọng 1,6%, giá vàng lập tức vượt qua ngưỡng bình quân 50 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 2", ông Tan nhấn mạnh.
Theo dự kiến, tuần tới không có phát biểu của quan chức Fed nào, và cũng không có nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố. Điều này có thể đồng nghĩa với đồng USD giảm giá sâu hơn, theo đó làm lợi cho giá vàng.
Chiến lược gia Charlie Nedoss của LaSalle Futures Group cho rằng không có sự kháng cự quan trọng nào với giá vàng cho tới mốc 1.800 USD/oz. "Mốc 1.809,4 USD/oz là mức bình quân 100 ngày, và theo thời gian, chúng ta sẽ đạt được mốc này", ông Nedoss nói.
Tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhắc lại chủ trương chính sách mềm mỏng. Theo các chuyên gia, sự tái khẳng định đó của người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới đã ngăn cơ hội tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và tỷ giá đồng USD, theo đó giúp vàng tăng. Nếu không có sự trấn an của ông Powell, giá vàng rất có thể đã chịu áp lực giảm lớn từ các báo cáo kin tế khả quan của Mỹ và Trung Quốc.
"Dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây tốt hơn nhiều so với dự báo của thị trường", nhà phân tích Daniel Briesemann của ngân hàng Commerzbank nói với hãng tin Bloomberg. "Dường như thị trường tin vào sự khẳng định lần này của Fed rằng Fed sẽ không phản ứng với các số liệu kinh tế tốt và sẽ cho phép nền kinh tế tăng trưởng nóng".
Tuy nhiên, ông Melek cũng cảnh báo rằng còn quá sớm để quá hưng phấn về diễn biến sắp tới của giá vàng. Theo vị chiến lược gia này, để giá vàng tăng cao hơn nữa, cần có một sự xác nhận rằng xu hướng tăng từ đầu năm của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã được kiểm soát.
"Trận chiến lớn ở đây là cuộc chiến giữa Fed và thị trường. Fed nói bất kỳ sự trỗi dậy nào của lạm phát cũng chỉ là tạm thời, trong khi thị trường có thể bắt đầu lo ngại rằng Fed nói không đúng. Chúng tôi vẫn đang đợi một tuyên bố nữa của Fed nói rằng Fed sẽ giữ vững lập trường chính sách tiền tệ hiện nay", ông Melek nói.