May 21, 2024 | 07:00 GMT+7

Giá vé máy bay “cao vút”: Du lịch dịch chuyển hướng

Tường Bách -

Mùa cao điểm hè chiếm 40 - 70% tổng doanh thu cả năm của các đơn vị du lịch. So với các mùa trước, năm nay sẽ chứng kiến nhiều thay đổi về sản phẩm để phù hợp thị hiếu khách hàng cũng như để né tình trạng giá vé máy bay cao...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, thị trường du lịch nội địa cho thấy những xu hướng mới trong nhu cầu dịch chuyển của người Việt. Theo tính toán, giá vé máy bay thường chiếm tỷ trọng khoảng 30 - 50% trong tổng số chi phí du lịch. Do đó, giá vé máy bay tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đi du lịch của người dân, cũng như việc tổ chức tour của các công ty lữ hành. Trong tình hình đó, để bắt kịp nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp buộc phải có những thay đổi phù hợp.

DOANH NGHIỆP TÌM CÁCH XOAY CHUYỂN

Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Chẳng hạn, đối với đường bay Hà Nội - TP.HCM, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14%), Vietjet Air giá vé khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).

Không chỉ những dịp cao điểm mà ngày thường giá vé nội địa cũng rất cao, thậm chí cao hơn so với giá vé máy bay đi quốc tế. Đơn cử như chặng bay Hà Nội - Phú Quốc giá vé máy bay lên tới 7 - 9 triệu đồng, ngang với tour trọn gói đi du lịch 5 ngày 4 đêm tại Thái Lan.

Việc giá vé máy bay quá cao đã tác động ngay tới lượng khách du lịch trong năm ngày nghỉ lễ vừa qua. Trong kỳ nghỉ lễ 30/4, sân bay Tân Sơn Nhất thống kê tổng số chuyến bay thực hiện là 3.961; trung bình 660 chuyến/ngày, giảm 8,8% so với năm 2023 và giảm 10% so với năm 2019. Bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện Vietluxtour, cho biết hiện các doanh nghiệp lữ hành đều lo lắng vé máy bay tăng cao làm “giảm nhiệt” mùa cao điểm du lịch năm nay. Có  thể nói, du lịch đường bộ đã cứu thị trường du lịch dịp nghỉ lễ vừa qua.

Giá vé máy bay “cao vút”: Du lịch dịch chuyển hướng - Ảnh 1

Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc marketing Best Price, nhận định: các bãi tắm đẹp gần các thành phố lớn sẽ là các điểm đến hút khách năm nay. Giá vé máy bay đang đạt mức cao trong mùa cao điểm hè và không có dấu hiệu hạ nhiệt nên người dân sẽ chuyển qua các điểm đến gần, có thể chủ động di chuyển bằng xe cá nhân, xe khách hoặc tàu hỏa.

Theo đại diện BenThanh Tourist, các sản phẩm tour đường bay nội địa hè năm nay sẽ tăng giá khoảng 20 - 30%. Các đơn vị lữ hành khó chờ được đến lúc giá “hạ nhiệt”, nên phải tự đưa ra các phương án khai thác các tuyến đường bộ nội địa, tận dụng lợi thế đường cao tốc... hay thậm chí đưa ra các gói tour kết hợp, chiều đi bằng tàu hỏa vãn cảnh, chiều về bằng máy bay để tiết kiệm thời gian.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, các tour truyền thống năm nay có thể được thay thế dần bằng hình thức bán lẻ dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn. Thực tế, hình thức này đã phát triển mạnh sau dịch Covid-19 nhưng các công ty lữ hành đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những nền tảng đặt dịch vụ trực tuyến.

Ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, lưu ý thời điểm hiện tại lượng khách du lịch nội địa đặt tour chỉ bằng khoảng 80% so với năm ngoái. Các tour có tỷ lệ chỗ được lấp đầy chủ yếu là các lịch trình đi gần. Tương tự, ông Trần Đăng Thành, CEO Orion Travel, cho biết hiện nay công ty của ông chuyển sang tập trung bán tour nước ngoài để đảm bảo doanh thu. “Các tour nội địa phải di chuyển bằng máy bay lượng khách hiện tại vẫn thấp, dù mùa cao điểm hè đã đến gần. Nếu giá vé máy bay vẫn tiếp tục neo cao, mức độ ảnh hưởng sẽ càng trầm trọng hơn”, ông Thành nói...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2024 phát hành ngày 20/5/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Giá vé máy bay “cao vút”: Du lịch dịch chuyển hướng - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate