Việc tính giá điện theo giờ cao điểm vào buổi sáng đã gặp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp và địa phương.
Chính vì thế mà chiều 27/3, đại diện Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải nhờ đến báo chí để “giãi bày” quanh việc tính giá điện theo cách trên.
Lý giải cho việc áp dụng tính giá điện theo giờ cao điểm vào cả buổi sáng (từ 9h30 – 11h30) và buổi tối (từ 17h - 23h), Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Phạm Mạnh Thắng cho rằng, lý do đơn giản nhất là do chúng ta còn thiếu điện, nên buộc phải khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng điện vào những giờ thấp điểm.
Hơn nữa, theo ông, việc áp dụng tính giá điện giờ cao điểm vào buổi sáng dù là khá mới ở Việt Nam, nhưng ở hầu hết các nước đều đã áp dụng cách tính này.
Ông Thắng nói, từ năm 2007 trở về trước, hệ thống điện của cả nước có tỷ trọng công suất cao nhất là thành phần ánh sáng sinh hoạt và dịch vụ nên cao điểm hệ thống rơi vào các giờ buổi tối từ 17h đến 22h.
Tuy nhiên, do nhu cầu điện cho sản xuất trong những năm qua luôn tăng cao nên từ năm 2007, điện cho sản xuất đã chiếm tỷ lệ ngày càng cao (trên 50% tổng sản lượng điện), nên giờ cao điểm của hệ thống điện đã dịch chuyển một phần sang buổi sáng từ khoảng 9h đến 12h.
Chính điều này đã làm cho công suất của cả hệ thống điện vào những giờ cao điểm buổi sáng đã cao hơn công suất vào các giờ cao điểm buổi tối.
“Mất” thêm tối đa 18% tiền điện
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực thừa nhận, việp áp dụng giá điện giờ cao điểm vào buổi sáng "ở mức nào đó" sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, qua tính toán sơ bộ, với việc áp dụng giá giờ cao điểm vào buổi sáng thì chi phí tiền điện tăng thêm của doanh nghiệp sẽ có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp có các ca làm khác nhau.
Nếu doanh nghiệp sản xuất 3 ca, 7 ngày/ tuần thì chi phí tiền điện tăng thêm sẽ vào khoảng 1%, qua đó đẩy giá thành sản phẩm lên khoảng 0,1 – 0,2%. Nếu doanh nghiệp sản xuất 2 ca, 6 ngày/tuần thì chi phí tiền điện sẽ tăng thêm khoảng 4,6%, qua đó đẩy giá thành sản phẩm lên từ 0,45 – 0,9%.
Còn nếu doanh nghiệp chỉ sản xuất một ca mở rộng, 6 ngày/tuần thì chi phí tiền điện tăng thêm có thể lên tới 18%, qua đó đẩy giá thành sản phẩm lên khoảng 1,8 – 3,6%.
Tuy nhiên theo ông Thắng, nếu doanh nghiệp áp dụng các biện pháp giảm những phụ tải không thiết yếu vào giờ cao điểm hoặc dịch chuyển giờ làm để tránh giờ cao điểm vào buổi sáng thì chi phí tiền điện tăng thêm sẽ thấp hơn đáng kể so với mức tính toán trên.
Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu thì “an ủi: “Chúng tôi biết giữa lúc kinh tế đang khó khăn, việc tính giá điện theo giờ cao điểm sáng có thế khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn hơn, nhưng nếu nhóm sản phẩm nào quá sức chịu đựng thì sẽ kiến nghị lên Thủ tướng xin có giải pháp tháo gỡ khó khăn".
Cái lý của EVN
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, việc bắt buộc phải áp dụng giá điện giờ cao điểm vào buổi sáng là do đơn vị này đã phải “chịu thiệt” quá nhiều do chênh lệch công suất giữa giờ cao điểm – thấp điểm quá cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có một số nhà máy được đầu tư nhưng chỉ vận hành vào giờ cao điểm với số giờ vận hành hằng năm thấp.
Bên cạnh đó, theo ông Tri, trong thời gian qua, khách hàng cũng đã được hưởng lợi nhiều do biểu giá điện bán lẻ cũ áp dụng cho năm 2007 và 2008 chưa quy định giá điện giờ cao điểm sáng thực nên giá bán lẻ điện thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện của các giờ cao điểm.
Do đó, theo ông Tri, việc tính giá giờ cao điểm vào buổi sáng là bất khả kháng. "Do đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng nên cũng không thể tránh khỏi những phản ứng của doanh nghiệp và dư luận. Song nếu không thực hiện thì sẽ gây thiệt hại cho EVN, đồng thời về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện của cả hệ thống và thậm chí là cả khách hàng", ông nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate