Sở Giao thông vận tải TP.HCM mới đây đã có văn bản gửi Tổng công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) về việc triển khai thực hiện phương án tiếp chuyển hành khách đi và đến các bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thành phố, đặc biệt là bến xe Miền Đông mới đang đìu hiu, ế ẩm.
Theo phương án này, việc chuyển hành khách sử dụng mô hình tương tác qua ứng dụng (apps) trên điện thoại thông minh, cho phép hành khách đăng ký thông tin và theo dõi lộ trình xe trong thời gian thực. Ứng dụng này không chỉ giúp hành khách quản lý việc di chuyển mà còn tích hợp định vị GPS, giúp theo dõi chính xác vị trí xe trên bản đồ thông minh.
Sở Giao thông vận tải Thành phố cho biết các xe tham gia vào phương án đều có sức chứa dưới 29 chỗ, có phù hiệu xe hợp đồng và hai bên thân xe sẽ ghi rõ “Xe tiếp chuyến hành khách đi/đến bến xe”. Các điểm đón trả khách được bố trí tại các vị trí cố định như các trung tâm thương mại, bệnh viện và một số điểm khác theo nhu cầu thực tế… Việc vận chuyển sẽ hoạt động 24/7, bao gồm cả các ngày lễ, tết nhằm bảo đảm tính linh hoạt, liên tục và thuận tiện tối đa cho hành khách. Chi phí cho dịch vụ này sẽ được tính vào giá vé vận tải hành khách liên tỉnh, nên hành khách không phải chi thêm phí riêng lẻ cho dịch vụ tiếp chuyển. SAMCO bắt đầu triển khai ứng dụng “Busmap User” cho dịch vụ gọi xe này, và mô hình dự kiến sẽ được triển khai theo hai giai đoạn chính.
Giai đoạn đầu, áp dụng tại bến xe Miền Đông mới (Thủ Đức); cụ thể, việc trung chuyển được tổ chức tại một số khu vực trung tâm thành phố bao gồm các quận 1, 3, 5, 7, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và thành phố Thủ Đức. Trong giai đoạn 1, SAMCO sẽ linh hoạt mở rộng phạm vi hoạt động tùy theo nhu cầu của hành khách nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu di chuyển trong thành phố.
Giai đoạn hai (dự kiến bắt đầu từ năm 2025) sẽ được triển khai tại các bến xe liên tỉnh còn lại, như bến xe Miền Tây, bến xe An Sương, bến xe Ngã Tư Ga, sau khi việc tổ chức tiếp chuyển tại bến xe Miền Đông mới đã đi vào ổn định. Trước khi triển khai giai đoạn hai, Sở Giao thông vận tải Thành phố yêu cầu SAMCO phải tiến hành báo cáo và đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn một để làm cơ sở cho việc mở rộng tiếp chuyển hành khách.
Ngoài ra, Sở này cũng lưu ý SAMCO rằng trong quá trình triển khai, nếu có gặp khó khăn hay vướng mắc gì, các đơn vị phải báo cáo ngay để kịp thời điều chỉnh và bảo đảm phương án hoạt động hiệu quả.
Bến xe Miền Đông mới có diện tích 16 ha, nằm trên đường Hoàng Hữu Nam (thành phố Thủ Đức), cách trung tâm TP.HCM gần 20 km. Đây là dự án bến xe lớn nhất cả nước với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 được đầu tư khoảng 740 tỷ đồng, hàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 10/2020.
Tuy nhiên, vì khoảng cách quá xa so với bến xe Miền Đông hiện hữu, nay đã giải thể (tọa lạc tại 3 mặt đường Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí và quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh) và trung tâm thành phố, nên từ lúc đưa vào hoạt động đến nay đã 4 năm, tình trạng bến xe mới luôn “ế ẩm”, đìu hiu vì vắng khách.
Và mặc dù đươc xây dựng để phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách/năm, đến nay bến xe Miền Đông mới chỉ đạt khoảng 5% công suất hoạt động. Tình trạng xe dù, bến “cóc” vì vậy phát triển rất nhanh và nhiều dọc xa lộ Hà Nội, hai bên tuyến lộ song hành xa lộ Hà Nội hướng Hàng Xanh đi bến xe Miền Đông mới. Cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc, mạnh tay xử lý nạn xe dù, bến cóc, lập lại trật tự, an toàn giao thông; nhưng thực tế là hành khách đã không chọn đi/đến bến xe mới này.