Nền tảng thương mại điện tử giá rẻ nổi tiếng Temu của Trung Quốc vừa ra mắt tại Việt Nam và dường như đang “làm mưa làm gió” … cõi mạng, khi những ngày gần đây, các bài đăng trên Facebook về Temu xuất hiện khá dày đặc.
Điều này là bởi Temu vốn đã nổi tiếng, vừa ra mắt tại Việt Nam và đang tung ra rất nhiều chương trình nhằm thu hút người dùng Việt Nam.
CÁCH ĐI CỦA TEMU CŨNG GIỐNG LAZADA, SHOPEE HAY TIKTOK SHOP: RÓT TIỀN ĐỂ HÚT NGƯỜI DÙNG
Trao đổi với phóng viên VnEconomy, ông Bùi Quang Cường, Uỷ viên Ban chấp hành, Hiệp Hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết Temu là nền tảng bán hàng trực tiếp của những nhà máy sản xuất Trung Quốc sang các nước trên thế giới và bây giờ bắt đầu vào Việt Nam.
“Về cách đi của Temu, cơ bản chúng ta có thể thấy gần giống cách mà các nền tảng nước ngoài khi bắt đầu vào Việt Nam. Đó là họ sẽ chi số tiền lớn để quảng cáo rầm rộ cho người dùng biết đến”, ông Cường nói.
Để hiểu rõ hơn, ông Cường đã có những phân tích về “đường đi nước bước” của các sàn thương mại điện tử khi thâm nhập thị trường Việt Nam. Theo đó, Lazada đã “rót tiền” vào công tác truyền thông, chính sách hỗ trợ nhà bán hàng, ưu đãi cho người mua hàng. Vì thế, Lazada nhanh chóng chiếm thị phần các sàn thương mại điện tử trong nước.
“Sau Lazada là đến Shopee, họ cũng đốt một số tiền khổng lồ với các chiến lược truyền thông, ưu đãi nhà bán hàng, tài trợ voucher cho người mua, đặc biệt chiến lược miễn phí giao hàng, và Shopee sau khi vào Việt Nam đã vượt Lazada. Để rồi, sau Shopee thị trường Việt tiếp tục đón nhận TikTok Shop”, ông Cường, người cũng là Giám đốc Công ty giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet, nói.
Và TikTok Shop cũng có chiến lược tương tự, rót tiền lớn cho truyền thông, ưu đãi người bán, người mua, miễn phí vận chuyển. TikTok Shop có lợi thế sẵn về lưu lượng truy cập từ TikTok và xu hướng video ngắn nên chỉ sau khoảng hơn 1 năm đã trở thành sàn thương mại điện tử số 2 Việt Nam, chỉ sau Shopee
“Chúng ta đang thấy lịch sử có thể viết tiếp khi Temu vào Việt Nam”, chuyên gia cho biết. Temu đang đầu tư tiền quảng cáo trên các nền tảng online. Đặc biệt chính sách tiếp thị liên kết của Temu đang rất hấp dẫn.
Theo đó, nếu giới thiệu người khác tải ứng dụng Temu và hoàn thành đơn hàng đầu tiên sau 30 ngày, người dùng sẽ được nhận ngay 150.000 đồng. Ngoài ra, các đơn hàng mua trong 30 ngày đó cũng được ưu đãi từ 10-30%.
Chiến lược tiếp thị liên kết của Temu đang thu hút sự chú ý của người dùng Việt. Ngoài cách thức giới thiệu tải ứng dụng, Người làm tiếp tiếp thị liên kết có thể làm tiếp thị liên kết theo theo từng sản phẩm để hưởng hoa hồng, và cả hình thức tiếp thị liên kết cho những người làm tiếp thị liên kết, một hình thức “gần giống như đa cấp”, ông Cường cho biết.
Một đặc điểm nổi bật nữa của Temu là có lợi thế về nhà máy sản xuất quy mô lớn, hệ thống vận chuyển bài bản nên người dùng mua trực tiếp từ shop nước ngoài cũng chỉ mất 3-5 ngày là “hàng về tới nhà”. Temu còn cam kết sau khoảng thời gian nhận hàng như “đã hứa” trong ứng dụng, mà chưa nhận được hàng, người mua sẽ nhận được mã giảm giá. Nhiều sản phẩm có thể đang được Temu trợ giá thêm nên có mức giá hấp dẫn.
Ngoài ra, Temu cũng đang có chính sách miễn phí giao hàng - một chính sách rất được người dùng thương mại điện tử Việt Nam ưa thích. Có thể nói đây chính là một trong những điểm mạnh sẽ phát huy tác dụng cho Temu trong chiến lược thâm nhập thị trường Việt.
DOANH NGHIỆP VIỆT NÊN LÀM GÌ TRƯỚC TÌNH THẾ THỊ TRƯỜNG “KHÔ MÁU”?
Trước thế “tấn công hùng mạnh” của Temu, chuyên gia cho rằng các sàn thương mại điện tử khác và những nhà bán hàng có thể bị cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt là những người trước đây đang nhập hàng từ Trung Quốc về và bán lại trên các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam. Giờ đây, họ sẽ bị cạnh tranh trực tiếp từ nhà sản xuất và hệ thống giao hàng hiện đại của Temu.
Trong khi đó, người tiêu dùng lại đang hưởng lợi. Tuy nhiên chính sách giá trên Temu cũng thay đổi liên tục nên người tiêu dùng cần thông thái để tìm ra những sản phẩm đang bán với giá tốt so với những nền tảng thương mại điện tử khác và có nhiều phản hồi tích cực về chất lượng.
“Nếu chúng ta tinh ý, nhiều sản phẩm của các shop trên Temu thay đổi chính sách giá liên tục. Phần này có thể do chính Temu điều chỉnh chính sách giảm giá và do cả nhà sản xuất điều chỉnh”, ông Cường nói.
Để có thể cạnh tranh trong tình thế thị trường “khô máu” như thế này, chuyên gia cho rằng các nhà bán hàng tại Việt Nam cần đi theo chiến lược xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững. Ngoài ra, nhà bán hàng cần tạo thêm những giá trị gia tăng về dịch vụ cho sản phẩm, đặc biệt là nên tìm những sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam để tránh đối đầu trực tiếp với những nhà sản xuất Trung Quốc.
Về chính sách tiếp thị liên kết, trong hai ngày gần đây, trên mạng xã hội rất nhiều người đã khoe tài khoản có tới hàng 100.000.000 đồng khi làm tiếp thị liên kết cho Temu. Tuy nhiên, những “chiến thắng” này chưa rõ thực hư thế nào và thực tế đó là số tiền “có thể nhận được”, chứ “chưa chắc nhận được”.
“Ví dụ ngay sau khi người dùng nhấp đường link và tải ứng dụng Temu của người làm tiếp thị liên kết thì người làm tiếp thị liên kết sẽ thấy hiển thị ngay 150.000 đồng trong tài khoản. Nhưng số tiền thực dùng được chỉ khi trong 30 ngày, người dùng đó phải thực hiện mua hàng và thanh toán, giao hàng thành công”, ông Cường giải thích. “Nếu người đó không mua hàng hoặc đổi trả thì người làm tiếp thị liên kết cũng không nhận được tiền”.