Theo báo cáo cập nhật của Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 6 năm 2025, tổng vốn giải ngân đạt 268.133,9 tỷ đồng, tương đương 29,6% kế hoạch năm và 32,5% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. So với tiến độ giải ngân của cùng kỳ năm 2024, tốc độ giải ngân chỉ đạt lần lượt 26,4% và 28,2%.
Xét theo nguồn vốn, vốn ngân sách địa phương đạt tỷ lệ giải ngân 37,8% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ năm trước là 27,4%. Trong khi đó, vốn ngân sách trung ương chỉ đạt 25,3%, thấp hơn nhiều so với mức 29,5% vào cùng kỳ 2024.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia, tổng vốn giải ngân ước tính đạt 9,258 tỷ đồng, tương ứng 42,2% kế hoạch được giao.

Nguồn: VnEconomy cập nhật từ Bộ Tài chính
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 bao gồm vốn theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vốn cân đối ngân sách địa phương và vốn chuyển nguồn từ các năm trước là 966.784,2 tỷ đồng.
(Báo cáo của Bộ Tài chính)
Tính đến hết tháng 6 năm 2025, có 10 bộ, cơ quan trung ương và 37 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ mức bình quân chung của cả nước trở lên. Có 32 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Bộ Tài chính nêu một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 40% bao gồm: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (86,4%), Đài Tiếng nói Việt Nam (73,8%), Bộ Công an (45,2%) và Ngân hàng Chính sách xã hội (41,2%).
Ở địa phương, những tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao có thể kể đến như Phú Thọ (85,7%), Hà Tĩnh (75,6%), Lào Cai (66,6%), Thái Nguyên (65,4%), bắc Ninh (62,3%), Hà Nam và Ninh Bình (59,5%), Bà Rịa – Vũng Tàu (54,9%) và Nam Định (53,9%).
Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, Bộ Tài chính cho biết đã tổng hợp và ước tính lại tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm trên cơ sở kế hoạch vốn đã được điều chỉnh. Việc này nhằm bảo đảm đánh giá đúng kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công theo nhu cầu vốn thực tế của từng đơn vị.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra 6 nguyên nhân chính gây khó khăn đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.
Thứ nhất là các vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng do khó khăn trong việc xác định giá đất đền bù. Ngoài ra, việc xác định nguồn gốc sử dụng đất gặp trở ngại do chuyển nhượng nhiều lần, dẫn đến tốn thời gian. Sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng gây khó khăn trong việc xây dựng bảng giá đất.
Thứ hai là tình trạng nguyên vật liệu còn hạn chế, giá cả tăng đột biến so với thời điểm mời thầu khiến chi phí dự án tăng.
Thứ ba là những khó khăn liên quan đến quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Điều này khiến nhiều dự án phải tạm dừng để xác định lại nhu cầu, điều chỉnh quy mô. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong trách nhiệm, quyền hạn, quy trình quản lý dự án tại địa phương sau sắp xếp, sáp nhập cũng là nguyên nhân kéo dài thời gian thẩm định.
Thứ tư là sự chậm trễ trong việc giải ngân đối với các dự án ODA do chưa hoàn thành quy trình thủ tục đầu tư hoặc đang thực hiện các thủ tục cho công tác đấu thầu và xử lý các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Thứ năm là nguồn thu ngân sách địa phương từ sử dụng đất chưa đảm bảo so với dự toán, gây khó khăn cho việc phân bổ và giải ngân.
Thứ sáu là những hạn chế trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Định mức hỗ trợ thực hiện một số nội dung như hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất còn thấp, không tạo sự khuyến khích các đối tượng tham gia thực hiện.